Cô Ninh, giáo viên trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội, được nhiều học sinh nhận xét "cute" (dễ thương) vì gần gũi, thân thiện, ngôn ngữ hợp tuổi teen.
Theo cô, việc thường xuyên tương tác như một người bạn với học sinh trên mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là học sinh thấy giáo viên thân thiện nên dễ dàng chia sẻ chuyện của riêng mình. Hai là học sinh định hình được cô giáo có sử dụng Facebook, nên chú ý cách hành xử trên mạng xã hội hơn. Vì vậy cứ bắt đầu vào lớp 10, cô kết bạn Facebook với học sinh và phụ huynh.
Có một lần, cô Ninh thấy một học sinh đăng bài với những ngôn từ bậy bạ, hung hăng. Cho rằng bài đăng có thể dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó có bắt nạt học đường, cô nhờ một học sinh "không quá ngoan hay hư" trong lớp, khuyên bạn xóa bài, coi như cô chưa nhìn thấy. Không để sự việc dừng ở đó, sau một vài hôm, cô Ninh nói chuyện với học sinh đó về tác động của các bài đăng trên mạng xã hội, không đề cập đến bài đăng đã xóa của em. Về sau, cô không thấy em này có bài đăng mang tính tiêu cực nữa.
"Trong trường hợp này, nếu trực tiếp yêu cầu con xóa bài, con có thể sợ rồi không dám tâm sự với mình nữa. Tôi chọn giáo dục từ từ", cô Ninh nói.
Khi mạng xã hội ngày càng trở thành nơi có thể nảy sinh mâu thuẫn, cãi nhau, nói xấu, tạo nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường, việc thầy cô "tương kế tựu kế" dùng chúng để nhanh chóng phát hiện và hóa giải nguy cơ đang cho thấy phần nào hiệu quả.
Từ bầu bạn với học sinh trên không gian ảo, cô Ninh thành bạn thân của các em ngoài đời. Cô bảo học sinh kể chuyện bức xúc của mình rồi tự đặt tên cho câu chuyện. "Việc gọi tên câu chuyện sẽ định hướng suy nghĩ của học sinh", cô chia sẻ kinh nghiệm.
Một nữ sinh đặt tên "Ngứa mắt" cho việc bị chị lớp trên to tiếng, bắt đổi chỗ trong phòng ăn. Sau khi nghe kể, cô Ninh gọi câu chuyện là "Điều không tính trước", rồi giải thích những hậu quả khôn lường, để em này thấy cách xử lý của mình không tốt.
Để học sinh tin tưởng mà kể chuyện, cô giáo phải dùng nhiều cách. Từ những ngày đầu nhận lớp, cô nghiên cứu hồ sơ từng học sinh, rồi hỏi phụ huynh để biết tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình cũng như ưu, nhược điểm của các em. Theo cô, khi giáo viên gần gũi, lắng nghe và thực tâm muốn đồng hành cùng phụ huynh trong việc giáo dục con cái, họ cũng sẽ tin tưởng, từ đó cùng phát hiện sớm nguy cơ bắt nạt học đường hoặc xử lý tốt khi sự việc đã xảy ra.
Cũng chọn cách làm bạn với học sinh, ông Huỳnh Thanh Phú, nguyên hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP HCM, thành lập đội tư vấn học đường gồm ban giám hiệu và các giáo viên "thần tượng". Đây là những thầy cô cởi mở, thường xuyên gần gũi, hay tương tác với học sinh nên được các em yêu quý, tin tưởng, ông Phú giải thích.
Cho rằng việc nói chuyện trực tiếp có thể khiến học sinh ái ngại, không muốn lộ mặt trong những vấn đề nhạy cảm, ông Phú không bố trí phòng tư vấn. Thay vào đó, tổ tư vấn của trường Nguyễn Du làm việc thông qua điện thoại, mạng xã hội. Theo ông, nhờ dễ dàng liên lạc với các thầy cô, nhiều khi học sinh trình báo sự việc không phải người liên quan trực tiếp, mà chỉ là bạn cùng lớp, cùng khối.
Ông Phú kể từng nhận được tin nhắn qua mạng xã hội của một học sinh lớp 10, báo nam sinh bạn lớp đó chuẩn bị đánh nhau với bạn lớp khác. Ông cùng thầy giám thị lên ngay lớp được báo, phát hiện sự việc đúng như tin nhắn.
"Nhiều khi nửa đêm chúng tôi cũng nhận được tin nhắn của các em. Nhờ cách làm này, trường ngăn được rất nhiều vụ ẩu đả, xô xát, cũng không để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, quay clip rồi đăng lên mạng, đến lúc đó thầy cô mới biết", ông Phú nói.
Bên cạnh đó, biện pháp hiệu quả khác để phát hiện bắt nạt học đường là sự quan sát của giáo viên. Các chuyên gia cho rằng thầy cô cần chú ý tới tâm trạng, nét mặt và cách cư xử khác lạ của học sinh trong lớp.
Dấu hiệu dễ nhận ra đầu tiên là sự sa sút học tập, theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Trang, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà Trang cho rằng những học sinh bị bắt nạt chịu nhiều ảnh hưởng của các cảm xúc tiêu cực, nên kết quả học tập thường bị ảnh hưởng theo.
"Nếu thấy các con sa sút việc học, giảm động lực học, trong lớp không tập trung, nghiêm trọng hơn là sợ đến trường, giáo viên cần tìm hiểu lý do ngay", bà Trang nói trong một tọa đàm cuối tháng 4.
Ngoài ra, một số biểu hiện bất thường khác mà giáo viên nên để ý là học sinh đổi cung đường đi học, không còn đến những địa điểm hay lui tới trong trường. Các em thay đổi thói quen để tránh mặt những kẻ bắt nạt. Những học sinh bị đánh sẽ có các dấu hiệu trên cơ thể, như bầm tím, quần áo xộc xệch, đứt khuy hay bị bẩn. Ở trường bán trú, học sinh trốn ngủ trưa, tránh những khu vực có thầy cô giám thị cũng là dấu hiệu bất thường, theo bà Trang.
Khi học sinh giảm hoặc mất kết nối với bạn bè trong và ngoài lớp, đây cũng có thể là dấu hiệu của bắt nạt học đường, tiến sĩ tâm lý Khúc Năng Toàn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định.
"Một học sinh vốn hòa đồng, dễ kết nối, đột nhiên tách mình khỏi tập thể, ngại tương tác, trở nên cô lập với mọi người xung quanh rất có thể đang bị bắt nạt ", ông Toàn nói.
Các nhà giáo, chuyên gia đều cho rằng phát hiện sớm bắt nạt học đường, trách nhiệm của riêng trường học là chưa đủ.
Về phía gia đình, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chuyên gia tâm lý giáo dục, khuyên phụ huynh chú ý quan sát, tìm hiểu, tâm sự với con cái. Bất cứ khi nào nhận thấy bất thường trong cách cư xử, hoặc phát hiện vết thương trên cơ thể các em, phụ huynh cần liên lạc với giáo viên và bạn bè của con để cùng tìm hiểu. Trước khi hiểu rõ vấn đề, phụ huynh cũng không nên phản ứng thái quá, tra hỏi hoặc tìm cách đổ lỗi. Việc này chỉ khiến các em sợ, lo lắng và không muốn tiếp tục chia sẻ.
Trên bình diện xã hội, ông Lâm cho rằng chính quyền và các tổ chức xã hội cần bảo đảm an toàn cho học sinh. Để ngăn chặn và sớm phát hiện các vụ ẩu đả ngoài trường học, lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Theo hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, các hành vi bắt nạt, trong đó có bạo lực học đường, là một phần của bạo lực xã hội. Mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống xã hội là việc tất yếu, nên không thể triệt tiêu bạo lực học đường, mà chỉ có thể giảm thiểu bằng cách phát hiện sớm và xử lý rốt ráo.
"Để ngăn bắt nạt học đường, cả ba bên gia đình, nhà trường và xã hội phối hợp thì mới hiệu quả", ông Phú nói.
Thanh Hằng - Dương Tâm