Thứ sáu, 13/12/2024
Chủ nhật, 27/11/2022, 00:00 (GMT+7)

Dựng lưới thép, khung sắt bảo vệ di tích

Sau nhiều năm bỏ hoang, di tích lịch sử Hoa thương hội quán ở TP Thanh Hóa hiện hoang tàn đổ nát, chính quyền phải dùng lưới B40, khung sắt chống đỡ.

Hoa thương hội quán nằm ngay ngã ba giao giữa đường Trần Phú và Tống Duy Tân, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, do bỏ hoang nhiều năm nên cây cối mọc um tùm. Tòa Tiền đường cũ (mặt đường Trần Phú) đang được các hộ dân thuê, cải tạo làm kiốt bán hàng và một phần phía sau dùng làm nhà để xe của Nhà xuất bản Thanh Hóa.

Hoa thương hội quán được cộng đồng người Hoa kiều đến thành phố xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 19. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá có công năng như đình làng của người Việt. Công trình có kiến trúc độc đáo, gồm 5 hạng mục chính: Tam quan, Tiền sảnh, Tháp nghinh phong, Trung đường và Hậu cung, xây dựng bằng các vật liệu chính là gỗ lim, đá xanh, gạch nung, mái lợp ngói ống...

Con ngõ nhỏ vốn là cửa Pháp Vũ xưa kia hiện là lối đi vào các phòng làm việc của Nhà xuất bản Thanh Hóa. Đây cũng là hạng mục hiếm hoi còn nguyên vẹn của khu du tích.

Do thời tiết và thời gian dài không có người sử dụng, bảo quản nên các hạng mục của di tích xuống cấp. Hầu hết phần mái nhà đã đổ sập, chỉ còn sót lại vài vì kèo nhưng cũng đã hư hại nặng, không còn hình hài ban đầu.

Theo các tài liệu lịch sử, Hoa thương hội quán xưa nằm ở ấp Phú Mỹ, thuộc giáp Đông Phố của trấn lỵ Thanh Hóa (trấn lỵ được thành lập vào năm 1804). Từ năm 1994 đến nay, công trình này là số nhà 248, phố Trần Phú, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa.

Sau hơn 150 năm sử dụng, đến 1960, người Hoa bàn giao Hoa thương hội quán cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa quản lý. Công trình được sử dụng làm thư viện khoảng 20 năm, đến năm 1981 khi thư viện chuyển đi thì Hoa thương hội quán được giao cho Nhà xuất bản Thanh Hóa quản lý, sử dụng một phần đến nay. Năm 2010, Hoa thương hội quán được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Một phần mái nhà nối giữa Hậu cung và Trung đường bị mục nát, có thể sập bất cứ lúc nào.

Các tòa nhà ở di tích Hoa thương hội quán ngày xưa đều được lợp ngói ống trang trí thêm các họa tiết hoa văn gốm sứ theo truyền thống người Hoa, nhưng hiện chỉ còn vài mảng sót lại.

Bức tượng cổ bằng gốm sứ hiếm hoi còn sót lại trên đỉnh Tam quan được bọc đỡ, tránh nguy cơ vỡ.

Video đính kèm bài ảnh: Dùng lưới thép băng bó di tích
 
 

Chính quyền phường Ba Đình phải dùng khung sắt, hàng rào nâng đỡ những hạng mục còn sót lại của di tích Hoa thương hội quán. Video: Lê Hoàng

Một phần đốc nhà làm bằng gỗ quý được chạm khắc hình động vật, hoa lá tinh xảo còn sót lại.

Một số cấu kiện bằng gỗ lim chưa bị đổ, nằm lại trên bức tường nứt toác. Bên trong khu nhà Trung đường hay Hậu cung giờ chỉ còn là đống đổ nát với gạch đá, gỗ chất ngổn ngang, cây cối mọc um tùm.

Trong khi chờ ngành văn hóa có phương án trùng tu tôn tạo, UBND phường Ba Đình đã dùng khung sắt gia cố những hạng mục còn lại, đảm bảo an toàn cho người dân qua lại khu vực này.

Ngoài các cây cột cỡ lớn bằng gỗ lim, tại di tích này còn có những cột đá nguyên khối dựng so le nhưng hiện nay chỉ còn hai cột ở gian Hậu cung đứng vững, số còn lại đã mất.

Bức tường gạch kéo dài từ tòa Nghinh phong đến Hậu cung phía sau cổng Pháp Vũ đã bị mục nát, nứt gãy nhiều vị trí. Thi thoảng, những mảng vữa hay gạch ngói trên cao lại rơi xuống.

Chính quyền phường Ba Đình đã cho rào bằng lưới B40 để ngăn chặn tường đổ.

Phía con ngõ Chùa Hội Quản (song song với ngõ vào Nhà xuất bản) có gần 20 hộ dân sinh sống. Chính quyền địa phương phải làm biển cảnh báo người dân hạn chế qua lại, song đây là lối đi duy nhất ra đường Trần Phú để đến công sở, trường học... nên người dân vẫn phải qua đây.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bằng nguồn ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Ngành văn hóa đưa ra hai phương án để lựa chọn gồm: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hoa thương hội quán trên cơ sở hiện trạng di tích đã được khoanh vùng bảo vệ và xếp hạng năm 2010; Mở rộng tu bổ, tôn tạo di tích trên tổng diện tích 680 m2, bao gồm hơn 426 m2 đất di tích đã được khoanh vùng bảo vệ, xếp hạng năm 2010 và hơn 253 m2 đất trụ sở làm việc của Nhà xuất bản Thanh Hóa đang sử dụng.

Tuy nhiên, hiện tỉnh Thanh Hóa chưa chốt phương án cụ thể nào.

Lê Hoàng