Đền Quan Thánh nằm ở sườn phía đông núi An Hoạch (phường An Hưng, TP Thanh Hóa), cùng với bốn di tích khác gồm Lăng Quận Mãn, hòn Vọng phu, đền Thượng, chùa Tiên Sơn hợp thành cụm di tích lịch sử An Hoạch, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992.
Thời gian gần đây, đền Quan Thánh bị thay đổi nhiều so với nguyên trạng. Dọc lối lên và trong khuôn viên ngôi đền chính nằm trong lòng vách núi đã bị kè, lát các loại gạch đá hỗn độn, không cùng chủng loại. Hầu hết bức tượng và phù điêu khắc trên vách núi đã bị sơn phủ màu mè. Các bài thơ văn chữ Hán, chữ Nôm cổ được tô màu đỏ trên nền đá màu đồng, không còn nét rêu phong như xưa.
Ở sảnh phía ngoài lối ra, người trông coi đền đã cho thợ khoan vào tấm văn bia khiến một số ký tự cổ bị mất. Một số hạng mục được cơi nới bằng gạch vồ, mái tôn che đậy chắp vá quanh di tích gây mất mỹ quan, che khuất tầm nhìn...

Các bức phù điêu cổ ở đền Quan Thánh bị sơn son thiếp vàng, biến dạng so với nguyên trạng. Ảnh: Lê Hoàng
Ngày 7/11, đoàn liên ngành gồm đại diện Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa (thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh) phối hợp với UBND TP Thanh Hóa đã kiểm tra thực địa, lập biên bản vi phạm.
Theo chính quyền địa phương, di tích đền Quan Thánh bị xâm hại do nhóm người được giao nhiệm vụ thủ nhang, trông coi bảo vệ tự ý bỏ tiền hoặc kêu gọi công đức tu sửa, song không được bất cứ cơ quan chức năng nào cấp phép.
Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, đã đang yêu cầu lãnh đạo phường An Hưng báo cáo, làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan việc xâm phạm di tích này.

Lối ra cuối ngôi đền bị lắp dựng mái tôn, vách đá có những ký tự cổ bị khoan đục để gá đinh vít. Ảnh: Lê Hoàng
Tương truyền, đền Quan Thánh được đô đốc Lê Trung Nghĩa sống dưới thời Lê Trung Hưng (1533-1789) chỉ huy xây dựng khi làm quan Tổng trấn Thanh Hóa. Trên vách đá phía cửa tiền và cửa hậu của đền được chạm khắc rất nhiều tượng voi đá, ngựa đá và một số quan quản tượng hay giám mã.
Trong động có bức phù điêu rộng khoảng 2,5 m, cao 1,5 m, khắc chân dung Quan Công và nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Phía ngoài đỉnh động có bốn chữ Hán cổ "Thiên cổ Vĩ nhân".
Quanh đền còn có rất nhiều bài thơ, văn bia chữ Hán, chữ Nôm cổ chưa được giải mã. Trên một vách núi dựng đứng phía ngoài đền còn có một chữ "Thần" lớn được khắc ở độ cao chừng 20 m.
Đền Quan Thánh. Video: Lê Hoàng
Ngay phía trên chữ Thần là một quả chuông đồng cổ. Các cụ cao niên quanh vùng không biết chuông được treo từ bao giờ và làm cách nào có thể leo lên sườn núi dựng đứng để treo nó. Chân dung đô đốc Lê Trung Nghĩa với khuôn mặt quắc thước trong trang phục nhà binh được tạc cạnh con đường lên đền...
Các nhà sử học đánh giá, đền Quan Thánh với các pho tượng, phù điêu cổ được chạm khắc công phu, tinh xảo là một trong những di tích điêu khắc đá độc đáo và quý giá bậc nhất Việt Nam hiện nay.