Gần một tuần sống trong căn lều 3 m2 ở nhà máy, việc sinh hoạt của gần 500 công nhân Xí nghiệp lốp Radial, chi nhánh Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) dần đi vào nề nếp. Không chỉ ăn ở, làm việc, người lao động còn cải tạo các phần đất trống ở nhà máy làm sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông để luyện tập thể thao.
Ông Hoàng Vĩnh Phúc, Phó giám đốc xí nghiệp cho hay sau khi thị xã Tân Uyên giãn cách theo Chỉ thị 16, ngày 22/6 ban giám đốc họp lên kế hoạch cho toàn bộ lao động ăn ở lại nhà máy duy trì sản xuất. Thời gian thực hiện từ 2 đến 3 tuần, tùy diễn biến dịch. Nhà máy mua đồ dùng, lều bạt, dọn dẹp nhà kho, dựng khu lưu trú, lắp nhà vệ sinh, nơi tắm giặt, móc phơi áo quần... đủ cho 480 người đồng ý ở lại. 170 lao động còn lại làm việc tại nhà hoặc nghỉ hưởng lương tối thiểu.
Tất cả công nhân nam ở trong các lều cắm trại, 24 lao động nữ được bố trí ở khu ký túc xá dành cho chuyên gia. Mỗi người được cấp một ổ điện, quạt máy, chăn, gối, mền... Xí nghiệp phối hợp ngành y tế tổ chức test Covid-19 cho tất cả công nhân để đảm bảo không đưa mầm bệnh vào nhà máy. Đồ dùng người nhà tiếp tế phải qua thang trượt ở cổng và phun khử khuẩn trước khi đến tay người nhận.
Ngoài miễn phí 3 bữa ăn chính, 2 bữa phụ, mỗi lao động còn được nhà máy hỗ trợ 150.000 đồng mỗi ngày. Ông Phúc cho biết khu lưu trú tạm có nội quy chặt chẽ, yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ngoài mở các sân chơi thể thao, xí nghiệp còn hỗ trợ chi phí, vật dụng để 3 công nhân biết nghề cắt tóc "mở tiệm" phục vụ người có nhu cầu.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho hay, không chỉ Xí nghiệp lốp Radial mà một số nhà máy trên địa bàn quy mô dưới 500 công nhân cũng có phương án cho lao động ăn ở, làm việc tại chỗ. Doanh nghiệp tận dụng khu ký túc xá sẵn có hoặc dùng nhà kho, dọn dẹp một phần nhà xưởng, mua thêm lều trại, màn chụp tự bung, gấp gọn tạo điều kiện công nhân nghỉ ngơi.
Theo bà Loan, cách làm này giúp lao động an tâm hơn, doanh nghiệp giữ được nhịp sản xuất trước tình trạng các khu công nghiệp, nhà máy ở Bình Dương đan xen khu dân cư, nhà trọ khiến dịch dễ lan nhanh. Đến chiều 30/6, Bình Dương ghi nhận 407 ca nhiễm, chủ yếu ở các công ty, nhà máy và khu trọ tập trung nhiều công nhân.
Tương tự tại TP HCM, một số nhà máy ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) cũng bắt đầu thực hiện phương án "3 tại chỗ" trước diễn biến phức tạp của Covid-19. Trong đợt dịch thứ tư bùng phát, thành phố đã ghi nhận hơn 3.800 ca nhiễm, trong đó nhiều nhà máy bị dịch xâm nhập. Cách đây hai hôm, một doanh nghiệp ở Khu công nghệ cao đã ghi nhận ca nhiễm, ảnh hưởng sản xuất.
Cụ thể từ mấy ngày qua nhà máy Nipro Việt Nam bố trí cho 400 công nhân ở tại xưởng để ổn định sản xuất. Với Công ty TNHH phần mềm FPT (FPT Software), nhân viên văn phòng làm việc ở nhà, số khác ở lại trụ sở công ty. Ngoài ra, một doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử có nhà xưởng rộng rãi đã mua sắm lều trại, chăn màn, các vật dụng thiết yếu sẵn sàng phương án tổ chức khoảng 6.500 công nhân ở lại nếu dịch diễn biến căng thẳng.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao cho hay những nhà máy bố trí lao động ở lại phải có phương án cụ thể gửi lên ban quản lý đánh giá, thẩm định, đáp ứng yêu cầu mới được thực hiện. "Những nhà máy không xây dựng phương án phòng dịch, xử lý khi xuất hiện ca nhiễm phải ngừng sản xuất", bà Loan nói và cho biết một số nhà máy không đủ điều kiện để lao động ở lại sẽ chọn phương án thuê nơi lưu trú bên ngoài công ty. Trước khi vào nhà máy, công nhân được xét nghiệm, cho kết quả âm tính.
TP HCM có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao hơn 320.000 người. Bình Dương với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Đây là hai địa phương có số lượng khu công nghiệp, công nhân nằm trong tốp đầu cả nước. Môi trường làm việc ở nhà máy được đánh giá là khép kín, đông người, khi xuất hiện dịch dễ bùng phát, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và lao động.
Lê Tuyết