Người này sốt nhẹ, khám ở một phòng khám tư được bác sĩ chẩn đoán viêm mào tinh hoàn phải và niệu đạo. Sau khi điều trị, tình trạng ổn định nhưng cảm giác đau tức âm ỉ tinh hoàn bên phải vẫn kéo dài, lan sang trái và xuống bẹn. Anh tiếp tục điều trị tại nhiều nơi, không cải thiện.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Khoa Nam học và Y học, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, ngày 16/3 cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng suy nhược, gầy gò, lo lắng và căng thẳng. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy nước tiểu, vi khuẩn lây truyền đều bình thường, nồng độ hormone nam (testosterone) hạ thấp. Anh được chẩn đoán mắc hội chứng đau tinh hoàn mạn tính.
Bác sĩ chỉ định bổ sung testosterone, kết hợp tư vấn tâm lý, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý để cải thiện sức khỏe.
Đau tinh hoàn mạn tính là tình trạng đau liên tục hoặc từng đợt tại một hay hai bên tinh hoàn, kéo dài trên ba tháng. Bệnh tuy không ảnh hưởng tính mạng nhưng gây cảm giác khó chịu, tác động xấu đến hoạt động thường ngày của người bệnh.
Nguyên nhân gây đau tinh hoàn mạn tính gồm viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn, phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, u tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh, thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn, suy giảm nội tiết tố testosterone, kích thích thần kinh vùng bẹn bìu như stress, rối loạn lo âu, rối loạn dạng cơ thể...
Các bác sĩ khuyến cáo khi có vấn đề nam khoa, bệnh nhân không được tự ý điều trị tại nhà mà cần tới bệnh viện. Không tự ý mua và sử dụng các thuốc tăng cường chức năng tình dục hay điều trị xuất tinh sớm bằng phương pháp không có cơ sở khoa học.
Chữa xuất tinh sớm hiện nay có rất nhiều cách, hiệu quả nhất là liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc.
Thùy An