Giáo sư toán Nguyễn Trọng Toán - người Việt tại Mỹ nói thiếu sót trong dạy Toán ở Việt Nam là chưa liên kết giữa lý thuyết và thực tế, khiến công chúng hoài nghi về lợi ích của học. Bài viết nhận được nhiều thảo luận của độc giả VnExpress.
Ở nhóm hoài nghi lợi ích của Toán, độc giả nickname VanHoang15111973 nói: "Học toán 12 năm bây giờ chỉ để tính diện tích đất và nhà".
Một thắc mắc khác, độc giả nickname tranpb189 nêu: "Học Toán rất chuyên sâu: tích phân, đạo hàm, xác suất... rồi hơn 90% không biết ứng dụng vào việc gì".
Độc giả buikhaihoan: "Chương trình giáo khoa phổ thông rất nặng lý thuyết nhưng bỏ qua ứng dụng thực tế vô tình làm môn học nhàm chán, có lẽ các nhà cải cách giáo dục nên xem lại chương trình của mình và học để làm gì? Để thi hay ứng dụng thực tế?".
Độc giả ngocdht kể: "Trường, lớp con tôi học trên 70% là học sinh giỏi và con tôi cũng vậy nhưng cháu hầu như không hiểu mối liên hệ giữa toán học với thực tế cuộc sống. Tôi nhắc cháu nhiều và lấy các ví dụ về kiến thức toán học phục vụ cuộc sống như thế nào nhưng rất ít cải thiện, tôi không hiểu do giáo viên dạy chưa tốt hay chương trình học chưa phù hợp".
Một số độc giả nhận ra lợi ích của Toán với cuộc sống là rất quan trọng. Độc giả hadet04 nói: "Nhưng nếu không có Toán thì chắc chẳng tính được cần bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu sắt thép, bao nhiêu xi măng và cao xa hơn là tính kết cấu, sức bền vật liệu... để xây được cái nhà để mà tính diện tích.
Với các thắc mắc học tích phân để làm gì, độc giả nickname Bạn đọc trả lời:
"Theo tôi, tích phân nên được đưa vào cả chương trình giáo dục phổ thông và đại học vì vai trò quan trọng và ứng dụng rộng rãi của nó trong nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
- Trong chương trình giáo dục phổ thông, tích phân có thể được giảng dạy ở mức cơ bản, tập trung vào khái niệm cơ bản về tích phân và ứng dụng đơn giản như diện tích dưới đường cong. Việc này giúp học sinh hiểu về ý nghĩa của tích phân trong thực tế, ví dụ như cách tính diện tích hình dạng không đều, và tạo sự chuẩn bị cho việc học sâu hơn ở cấp đại học.
- Tại đại học, tích phân được nâng cao và ứng dụng sâu hơn trong nhiều ngành khoa học và kỹ thuật như vật lý, kỹ thuật, kinh tế, sinh học, và nhiều lĩnh vực khác. Hiểu biết về tích phân là cần thiết để giải quyết các bài toán phức tạp, như mô hình hóa hiện tượng vật lý, dự báo kinh tế, nghiên cứu trong y học, và thiết kế các hệ thống kỹ thuật.
Ngoài ra, tích phân cũng giúp phát triển tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề, và kỹ năng phân tích. Tích phân đòi hỏi người học hiểu sâu về nguyên tắc và có khả năng áp dụng chúng vào các tình huống thực tế. Điều này góp phần đào tạo ra những cá nhân có khả năng tư duy sáng tạo và thích nghi trong môi trường thay đổi liên tục".
GS Toán cho rằng "Toán chính là tư duy, là tầm nhìn, nền tảng của tất cả các ngành trong quá khứ, hiện tại, và hiển nhiên tương lai cũng vậy". Độc giả nickname long.ussh đồng quan điểm:
Theo tôi lợi ích của toán học khá nhiều, đặc biệt là trong tư duy kinh doanh, logic công việc và sáng tạo. Các nước đặc biệt giỏi toán đều có chỉ số kinh tế hơn hẳn các nước kém toán (50 nước xếp hạng đầu toán học là những quốc gia đã và đang phát triển nhanh và là các nền kinh tế top đầu thế giới).
Điểm yếu ở Việt Nam là thiếu môi trường để phát triển tài năng khi mà khoa học ứng dụng ở phần lớn các trường đại học còn rất yếu (trừ một số trường có danh tiếng đặc thù).
Nếu ai có thời gian tham gia các diễn đàn về số học, hình học, không gian, vũ trụ, kinh tế... sẽ thấy những người giỏi toán họ tư duy khác biệt hẳn.
Xung quanh nhìn bạn bè, ai mà đặc biệt giỏi toán tôi thấy hiếm người trung bình lắm, phần lớn đều có nhiều thành công trong sự nghiệp.
Vì vậy ai mà bảo học toán giỏi không có tác dụng gì chắc là xưa học qua loa cho có, chứ học thật sự thì toán học quá nhiều ứng dụng thực tế trong công việc và ngay cả trong cuộc sống gia đình, giáo dục con cái".
Độc giả Hoàng HG: "Học toán là xây dựng khả năng tư duy. Có tư duy tốt sẽ giúp nhìn nhận vấn đề và giải quyết các vấn đề đó. Một thực tế là những người giỏi toán đều rất đa tài, họ giỏi nhiều lĩnh vực khác nữa.
Toán học ứng dụng vào hầu như tất cả các vấn đề của cuộc sống, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp mà chúng ta không nhận ra được. Đơn giản nhất là anh thợ cơ khí cũng phải biết toán để tính được góc cắt hay độ uốn cong của 1 thanh sắt để làm ra sản phẩm. Nếu là góc 90 độ thì đã có sẵn thước, nhưng nếu là 80 hay 100 thì phải tính bằng Toán học cả đấy".
Độc giả nickname lehuydo789 đề nghị:
Tôi nghĩ để Toán ứng dụng tốt thì ví dụ khi học các giáo viên có thể đặt tình huống cho các em ứng dụng để tính chiều cao của một cái cây, diện tích lớp học, tính thể tích diện tích của một vật có hình thù bất kỳ, tính toán tiền thuế, giá trị cổ phiếu...
Những vấn đề này thì Toán học phổ thông đều có thể giải quyết được. Nếu làm được vậy thì các em sẽ thấy Toán cực kỳ hữu ích. Như tôi đây trước đây chọn học ngành xã hội vì chỉ muốn né toán nhưng thực ra điều này rất sai vì trong cuộc sống muốn kiềm nhiều tiền thì đều phải có kiến thức về kinh tế, tài chính mà muốn hiểu thì kiến thức Toán học là điều kiện tiên quyết".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.