Mỗi lần đọc bài về hiện trạng giáo dục Việt Nam tôi lại đau lòng. Thật sự mà nói, tôi chưa bao giờ là nạn nhân. Ngày xưa những năm 80, tôi liên tục là học sinh xuất sắc, việc học luôn là niềm vui, tôi đã thấy sợ khi tưởng tượng mình nằm trong số học sinh học kém mặc dù trường học khi đó không tệ như trường công mà một số bài báo phản ánh gần đây.
(Xem thêm: Cách dạy Văn ở Việt Nam khiến nhiều người không viết nổi đơn xin việc)
Hiện nay sống ở châu Âu, các con có điều kiện giáo dục tuyệt vời, tôi càng thấy thương một bộ phận trẻ em Việt Nam. Trách nhiệm và tâm tư với thế hệ tương lai phụ huynh nào cũng có.
Đừng bảo tôi so sánh điều kiện ở châu Âu và ở Việt Nam, vì tôi không nói đến điều kiện vật chất trong việc giảng dạy. Điều tôi muốn nói đến là quan điểm giáo dục, quan điểm đánh giá con người trong xã hội chúng ta.
Mỗi con người dược sinh ra với khả năng khác nhau, sẽ giữ những vai trò khác nhau trong xã hội. Vài trò nào cũng cần thiết. Những công việc đòi hỏi trí tuệ cao xứng đáng được trả công cao hơn vì ít người làm được, nhưng ý nghĩa và sự đóng góp của tất cả các công việc lương thiện đều phải được nhìn nhận bình đẳng.
(Xem thêm: Học sinh lớp 11 bức xúc cách học văn của giới trẻ)
Giáo dục phổ thông, thông qua việc truyền tải kiến thức phù hợp lứa tuổi, xây dựng nền tảng đạo đức, trau dồi kỹ năng xã hội phải đặt mục tiêu nhận ra học sinh đó có khả năng đảm nhận vai trò nào trong xã hội.
Đánh giá đúng khả năng của học sinh để sau này em ấy hạnh phúc vì được là chính mình, được đóng góp tối đa cho xã hội theo cách thức của em ấy.
Việc đánh giá này kết hợp với tư vấn, định hướng cùng phụ huynh dựa trên sự tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân để tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho học sinh đó.
(Xem thêm: Khi nhóm học trò bịt mặt chặn đường đánh thầy giáo)
Làm tốt việc này tức là thành công của giáo dục phổ thông. Giáo dục thành công không phải đánh đồng các em, bắt con cá phải leo cây, không phải đặt ra mục tiêu bao nhiêu phần trăm giỏi, bao nhiêu phần trăm vở sạch chữ đẹp... thì được công nhận là giáo viên giỏi, trường giỏi.
Việc có nhiều học sinh điểm cao trong chương trình học (mặc dù chữ "giỏi" ngày nay tôi cũng hoài nghi, nhưng cứ cho là các em được đánh giá đúng) không phải tiêu chí thành công của giáo dục. Một học sinh học kém không có nghĩa em ấy xấu, bị liệt vào "cá biệt".
(Xem thêm: Hai bé gái với chim bồ câu và 'sự đối lập giáo dục Á - Âu')
Em ấy vẫn có thể trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội miễn là em ấy được trân trọng về giá trị con người.
Quan điểm giáo dục sai lầm không chỉ tồn tại trong ngành mà nó ăn sâu trong xã hội qua bao thế hệ. Cách tính điểm, xếp hạng rất không công bằng: toán/ văn/ ngoại ngữ hệ số hai đem cộng với các môn khác hệ số một rồi chia trung bình xem ai đứng nhất/ nhì/ ba gì đó.
Những em đứng chót sẽ bị tổn thương như thế nào, cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, chán trường chán lớp, sau này chán luôn cái xã hội mà em sống. Cơ sở đâu mà đặt em giỏi toán, hoặc giỏi nhiều môn hơn đứng toàn diện trên em kém toán nhưng lại giỏi vẽ...
(Xem thêm: 5 điểm khác biệt khiến Mỹ luôn là siêu cường giáo dục thế giới)
Các bài văn đua nhau kết luận: em sẽ cố gắng thành con ngoan trò giỏi... Con ngoan thì đồng ý chứ trò giỏi tùy năng lực từng em. Về nhà, ông bà chú bác hay hỏi "tháng này con đứng thứ mấy?", "bạn kia đứng thứ mấy?", xem như đó là tiêu chí thành công, đứng hạng cao mới là tốt, là ngoan.
Các bài viết về tinh thần vượt khó luôn luôn "mặc dù vậy nhưng anh/ chị vẫn đỗ đại học", tất nhiên tôi cũng ngưỡng mộ nỗ lực của họ nhưng đó cũng chỉ là một mặt của cuộc sống.
Em khác cũng nhà nghèo, không đỗ đại học nhưng nỗ lực có nghề nghiệp lương thiện, không phạm pháp, sống đàng hoàng, trách nhiệm vơi gia đình, xã hội theo tôi thấy cũng chẳng thua kém gì, chẳng qua em đó giữ vai trò khác trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
Để khuyến khích con chăm học, nhiều người nói những câu đầy miệt thị như "đồ học dốt, sau này lớn chỉ có bán cà rem". Trời nắng, có cà rem mua ăn, bạn phải biết ơn có người làm nghề này cả ngàn lần.
(Xem thêm:Con tôi đi học ở Nhật không có xếp loại tiên tiến, xuất sắc)
Một bài trong mục tâm sự kể về một bé không chịu học, bị mẹ bắt bán vé số trong một ngày, hoặc cặp vợ chồng ở Thái Lan bắt con bán bánh, nhận được vô số bình luận khen cha mẹ làm đúng, nghiêm khắc.
Có biết rằng họ đang tạo cho các em tư duy khinh rẻ lao động chân tay, đồng thời tiếp tay cho quan điểm giáo dục sai lầm. Giáo dục là sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Bạn có thể phạt con bằng cách cắt bớt một phần thưởng nào đó như giờ chơi game chẳng hạn, chứ không phải phạt dưới hình thức lấy một nghề lương thiện ra để răn đe.
Trong tư duy một bộ phận người lớn: học giỏi điểm cao, đậu đại học cũng đồng nghĩa với tốt, chăm chỉ, đàng hoàng... học kém là do lười biếng, không chịu học hành, báo cha báo mẹ..., phụ huynh thiếu kiến thức đem so sánh con mình với con người khác theo tiêu chuẩn này.
(Xem thêm: Bộ Giáo dục nên áp dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh)
Quan điểm đánh giá con người sai lầm này cộng với áp lực kinh tế: những ngành nghề dành cho người học kém rất khó sống ở Việt Nam và các nước kém phát triển nói chung đã khiến một số phụ huynh tạo áp lực cho con cái về điểm số.
Cũng khó trách họ được, họ nghĩ vậy là thương con, ép nó học, hy sinh tuổi thơ để tuổi trưởng thành hạnh phúc, có biết đâu khi tuổi thơ đã mất thì tuổi trưởng thành bị ảnh hưởng nặng nề, có khi chưa kịp hưởng.
Về cuộc sống vật chất của người lao động phổ thông còn nhiều việc phải làm trong tình hình đất nước hiện nay, vậy thì ít ra thành kiến "làm mấy nghề đó chắc là học hành chẳng ra gì" phải được xóa bỏ.
Chỉ có những phụ huynh đủ kiến thức và dũng cảm mới để cho con được là chính mình. Một số đông rất lớn phụ huynh ép con học vì sợ các em bị phân biệt đối xử ở trường.
Bộ Giáo dục, Nhà trường nói chung phải đi đầu trong việc quán triệt tư tưởng giáo dục cho phụ huynh, sau mỗi học kỳ, mỗi năm, mỗi cấp phân loại năng lực để từng cá nhân phát triển đúng hướng dựa trên nền tảng tôn trọng sự khác biệt của các em.
(Xem thêm: Khóc cho thầy Tuấn, khóc cho nền giáo dục Việt Nam)
Hãy bỏ kiểu xếp hạng tổng thể, đây là cách đánh giá đầy tính phân biệt giá trị con người. Chúng ta chỉ được phép đánh giá khả năng của các em trong từng môn riêng biệt.
Về lâu dài có thể lập chuyên ban trên phạm vi rộng sớm hơn. Việc giáo dục đạo đức cũng cần thay đổi: bỏ ngay kiểu để học sinh giám sát học sinh, cách đó chỉ tạo khoảng cách giữa các em (ngày xưa tôi từng bị các bạn đánh sau giờ học vì ghi tên bạn nói chuyện trong lớp, mà không ghi tên ai cả thì bị cô giáo phạt vì không giúp đỡ cô!).
Xin nhấn mạnh tôi không hề có ý bảo các em chểnh mảng việc học. Trái lại em yếu có thể được phụ đạo, em giỏi có thể nhận thêm bài khó, nhưng không tạo chỉ tiêu, áp lực.
(Xem thêm: Nỗi đau của nền giáo dục)
Việc không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức cuộc sống, và nếu có thể, bổ sung thêm học vị mới cho dù giữ vị nào trong xã hội là điều cần thiết. Phần chúng ta, những phụ huynh, cũng phải góp sức tạo ra quan điểm đánh giá con người đúng đắn.
Bạn được khuyến khích con học giỏi nhưng đừng bằng cách miệt thị những nghề tay chân. Thật ra trong thâm tâm ai cũng muốn con mình học giỏi, làm nghề lương cao, chỉ khác là ở những nước phát triển với nền giáo dục tiến bộ, họ khuyến khích, tạo điều kiện nhưng không tạo sức ép.
(Xem thêm: Giáo dục méo mó vì xã hội VN quá đề cao người thầy')
Họ tôn trọng từng cá nhân và không miệt thị lao động chân tay. Trình độ dân trí cao là một đặc điểm tiêu biểu của xã hội phát triển. Nhưng trình độ dân trí cao không phải là bằng cấp mà là: người làm những nghề chúng ta cho là "ít học" vẫn có đầy đủ kiến thức về cuộc sống, pháp luật, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, kiến thức giáo dục con cái.
Muốn vậy ngay từ nhỏ họ cũng phải được hòa đồng vào môi ttường chung, không bị kỳ thị. Và nhà trường chính là môi trường đầu tiên đó.
Xa quê hương, tôi càng thấy thương đất nước mình hơn, mong sự thay đổi để trẻ em bớt khổ. Cuộc sống khó khăn, kiến thức hạn chế, nhiều phụ huynh, ngay cả thầy cô có khi cũng là nạn nhân của quan điểm giáo dục sai lầm mà không hay biết.
(Xem thêm: Dạy con tự chủ tiền bạc theo cách người Nhật)
Thay đổi xoành xoạch sách giáo khoa, nội dung thi cử nhưng không thay đổi quan điểm giáo dục thì cũng như không.
Nước ta còn nghèo, cơ cở vật chất cho giáo dục còn thiếu thốn nhưng việc tạo ra một quan điểm giáo dục đúng đắn trong ngành, từ đó lan ra ngoài xã hội là điều trong tầm tay. Bởi vì: trẻ em, dù được sinh ra với hình hài và trí tuệ như thế nào đều phải được nhìn nhận bình đẳng về giá trị con người.
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.