Sau khi quân đội Nga tuyên bố sẽ đưa vào biên chế quy mô lớn siêu tăng T-14 Armata, Đức đã khởi động chương trình phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới Leopard 3 thay thế cho mẫu xe tăng cũ đang ngày càng trở nên kém ưu thế, theo National Interest.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar, Đức đang phải trông cậy vào việc nâng cấp xe tăng thế hệ cũ Leopard 2A7 (+) để đối phó với T-14 Nga, nhưng về lâu dài, Berlin hiểu rằng họ cần phải thay thế Leopard 2 bằng một mẫu tăng thế hệ mới uy lực hơn. Đó là lý do Đức bắt tay vào phát triển Hệ thống Tác chiến Bộ binh Chủ lực (MGCS), một chương trình vũ khí đầy tham vọng hợp tác cùng với Pháp.
Theo Armin Papperger, giám đốc điều hành công ty quốc phòng Đức Rheimetall, Đức sẽ hướng tới xe tăng Leopard 3 theo từng bước một. Bước đầu tiên là nâng cấp tăng Leopard 2 với hệ thống lõi tháp pháo kỹ thuật số mới, hệ thống nhận thức tình huống và Hệ thống Phòng thủ Chủ động (ADS).
Xe tăng nâng cấp này cũng sẽ trang bị pháo sức nén cao 120 mm và đạn mới, có hỏa lực lớn hơn 20% so với pháo L55 120 mm hiện nay. Để duy trì sức nén cao với đầu đạn, thông thường pháo trên xe tăng sẽ được kéo dài nòng. Tuy nhiên, pháo nòng dài có những hạn chế lớn, khiến Mỹ vẫn duy trì pháo nòng ngắn L44 120 mm trên xe tăng Abrams. Nhiều khả năng công ty Rheinmental sẽ sử dụng các vật liệu mới để tăng sức nén trong nòng pháo mà không cần kéo dài nòng.
Theo ông Papperger, về trung hạn, Đức sẽ phải trang bị pháo mới 130 mm cho tăng Leopard 2, bởi loại pháo này có uy lực xuyên giáp hơn 50% so với pháo 120 mm. Cuối năm nay, công ty Rheinmetall sẽ bắt tay phát triển loại pháo mới, một trong những tiền đề để phát triển MGCS.
Ông Papperger cho biết việc nghiên cứu phát triển khái niệm tăng chiến đấu chủ lực mới MGCS đã bắt đầu tiến hành và dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Hiện chỉ có Pháp là đối tác duy nhất nhưng Đức hy vọng các quốc gia châu Âu khác sẽ tham gia dự án này.
Chương trình phát triển siêu tăng Armata của Nga đã khiến nhiều quan chức quốc phòng phương Tây đặc biệt lo ngại. Hệ thống bảo vệ chủ động (APS) trên các xe thiết giáp lớp Armata của Nga khiến giới thiết kế phương Tây phải tập trung nhiều hơn để phát triển các hệ thống vũ khí uy lực hơn.
APS trên tăng Armata của Nga tích hợp ít nhất một hệ thống bảo vệ khó tiêu diệt được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đang bay tới, theo báo cáo Sức mạnh Quân sự 2016 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Theo đó, tăng Armata bắn ra những đầu đạn nổ rất hiệu quả để đối phó với các loại đạn phản lực và đạn động năng của đối phương.
"Điểm nhấn trong cơ chế bảo vệ xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata là các hệ thống bảo vệ chủ động (APS) cho phép nó tự đưa ra các phương án tác chiến dựa trên kinh nghiệm trên chiến trường cũng như phát triển các khái niệm môi trường tác chiến tương lai", theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự 2016.
Trong lịch sử, Đức luôn là nước đi đầu về xe tăng, xe thiết giáp, nhưng lực lượng quan trọng này đã bị lơ là phát triển trong những năm gần đây. Kế hoạch chế tạo Leopard 3 chứng tỏ sự thức tỉnh của Đức trước sức mạnh ngày càng trỗi dậy của Nga, nhưng chỉ có thời gian mới có thể chứng tỏ mẫu tăng thế hệ mới này có thành công hay không, ông Majumdar nhận định.
Duy Sơn