Trang Zeit Online ngày 6/3 dẫn nguồn tin chính phủ Đức rằng lệnh cấm sẽ áp dụng với cả các thành phần đã được tích hợp trong hệ thống mạng viễn thông tại Đức. Chính phủ sẽ yêu cầu các nhà khai thác phải loại bỏ và thay thế chúng.
Nguồn tin tiết lộ cơ quan an ninh mạng thuộc chính phủ Đức và Bộ Nội vụ Đức đã xem xét liệu có thành phần nào trong mạng 5G mà các nhà cung cấp đang phát triển có thể gây nguy hiểm cho an ninh của Đức hay không. Việc kiểm tra đã được thực hiện trong nhiều tháng. Dù chưa chính thức kết thúc, nguồn tin nhấn mạnh "kết quả đã rõ ràng".
Đức được cho là đang trong quá trình đánh giá lại toàn diện về mối quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc. Chính phủ nước này chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, theo Reuters, một nguồn tin thân cận với chính phủ cho biết thông tin trên là chính xác.
Huawei không bình luận về lệnh cấm nhưng khẳng định công ty "có hồ sơ tốt về bảo mật" trong suốt 20 năm cung cấp công nghệ viễn thông cho Đức và phần còn lại của thế giới.
Trước đó, một số quốc gia cũng đã hạn chế dùng thiết bị viễn thông từ Huawei và ZTE vì cho rằng cả hai có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Những nước này lo ngại các phần mềm gián điệp có thể được nhúng vào hệ thống viễn thông để phục vụ mục đích nghe lén hoặc truyền dữ liệu trái phép.
Đức đã thông qua luật bảo mật công nghệ thông tin từ năm 2021, trong đó đặt ra nhiều quy định nghiêm ngặt đối với việc xây dựng hệ thống viễn thông mới cho các mạng thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, nước này chưa cấm Huawei và ZTE như một số quốc gia khác đã làm.
Theo Reuters, một báo cáo gần đây cho biết các nhà khai thác viễn thông Đức đã tránh sử dụng công nghệ của Huawei cho các mạng lõi. Dù vậy, Đức hiện vẫn phụ thuộc công ty này ở mảng thiết bị mạng truy cập vô tuyến (RAN) 5G.
Trước đó, Mỹ là quốc gia mạnh tay nhất trong việc ngăn chặn các thiết bị viễn thông từ Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Washington đã liệt Huawei và ZTE vào danh sách doanh nghiệp bị coi là mối đe dọa với nước này, cấm cấp phép cũng như nhập khẩu hoặc bán sản phẩm của họ.
Bảo Lâm