Phát biểu sau ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức Merkel cho biết bà đã gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama thông điệp về niềm tin trong cuộc điện đàm giữa hai người hôm 23/10. Báo chí Đức trước đó đưa tin tình báo Mỹ nghe lén điện thoại di động của bà Merkel.
BBC dẫn lời bà Merkel cho biết, Đức và Pháp mong muốn tổ chức một cuộc đối thoại với các quan chức Mỹ nhằm giải quyết vấn đề trên.
Đức và Pháp yêu cầu ký một thỏa thuận không do thám lẫn nhau với Mỹ. Ý tưởng này đã được bà Merkel đưa ra hồi tháng 6, nhưng chưa được phía Mỹ đáp ứng. Washington đã có các thỏa thuận tương tự với các đồng minh thân thiết khác gồm Anh, Canada, New Zealand và Australia.
Đoàn đại biểu Đức tại Brussels hôm 22/10 khẳng định thông tin Thủ tướng Merkel tham dự một cuộc hội đàm ngắn với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Trước đó, tờ Le Monde của Pháp đưa tin hàng triệu cuộc điện thoại của Pháp bị tình báo Mỹ giám sát.
Các tranh cãi về vấn đề nghe lén được cho là có khả năng làm lu mờ các chủ đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế và dân nhập cư tại hội nghị của EU, đặc biệt khi thủ tướng Đức yêu cầu một lời giải thích trọn vẹn cho cáo buộc nghe lén điện thoại.
Cuộc tranh luận căng thẳng xoay quanh chủ đề trên cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU với mục tiêu đạt được một thỏa thuận tự do thương mại lớn. "Thật khó tưởng tượng thỏa thuận trên có thể đạt được trong khi Mỹ đang vi phạm quyền riêng tư của công dân", BBC dẫn lời ông Sigmar Gabriel, lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Đức.
Tờ Guardian hôm qua đăng tải thông tin Cục an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe trộm điện thoại của ít nhất 35 nhà lãnh đạo nước ngoài, với nguồn tin là cựu nhân viên tình báo Edward Snowden.
Lãnh đạo nhiều nước châu Âu tham gia hội nghị cũng bày tỏ quan ngại về quy mô hoạt động do thám của Mỹ. "Tôi hoàn toàn ủng hộ bà ấy và đây là điều không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng chúng ta cần phải biết toàn bộ sự thật", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết.
Bộ Ngoại giao Đức hôm qua triệu tập đại sứ Mỹ tại Berlin để thảo luận về tính nghiêm trọng của vụ việc lần này. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle yêu cầu Washington trả lời thẳng thắn và cảnh báo rằng mối quan hệ hai nước đứng trước nguy cơ rạn nứt.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barosso, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này cũng sẽ xúc tiến việc thông qua luật mới bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân EU.
Đức Dương