Ngoài ra, Bộ kinh tế Đức cũng muốn Apple cung cấp các linh kiện thay thế cho iPhone với mức giá hợp lý hơn. Yêu cầu của Đức cao hơn nhiều các đề xuất trước đó của EU, vốn muốn các nhà sản xuất như Apple, Google sẽ cập nhật phần mềm và có linh kiện thay thế trong ít nhất 5 năm cho smartphone và 6 năm đối với máy tính bảng.
Hiệp hội công nghiệp Digital Europe, đại diện cho Apple, Samsung và Huawei, đánh giá các yêu cầu này là vô lý, đồng thời đề xuất các nhà sản xuất sẽ cung cấp bản cập nhật bảo mật trong ba năm và hai năm đối với hệ điều hành.
Về linh kiện, DigitalEurope cho biết các nhà sản xuất chỉ cần cung cấp màn hình và pin. Các bộ phận khác như máy ảnh, micro, loa và đầu nối hiếm khi cần được thay thế.
Dù Liên minh châu Âu có thể yêu cầu các nhà sản xuất smartphone phải tuân thủ để kinh doanh tại thị trường này, các công ty công nghệ lớn vẫn có quyền quyết định có làm theo hay không.
Hiện Apple vẫn chủ động tăng vòng đời cho iPhone, như iPhone 6s ra mắt năm 2015 vẫn có thể nâng cấp lên hệ điều hành iOS 15. Tại WWDC vừa qua, Apple cũng thông báo, người dùng có thể tiếp tục sử dụng iOS 14 với các model cũ thay vì phải chuyển lên iOS 15 nhưng vẫn được cập nhật các bản vá bảo mật.
Với linh thay thế, tại Mỹ, Apple có thể phải đối mặt với chính sách "Quyền được sửa chữa" của Uỷ ban thương mại liên bang (FTC). Chính sách này nhằm vào các hoạt động của nhà sản xuất, vốn khiến người mua gặp khó khăn khi việc sửa sản phẩm của mình hoặc phải mua sắm linh kiện để các nhà cung cấp dịch vụ khác làm việc đó cho họ.
Theo một báo cáo của Wall Street Journal về "Quyền được sửa chữa", người dùng các thiết bị Apple sẽ có chi phí sửa chữa rẻ hơn một nửa nếu họ có thể mang thiết bị của mình đến một cửa hàng sửa chữa độc lập thay vì Apple Store.
Trong khi đó, Apple đang chống lại các dự luật về Quyền sửa chữa ở cấp tiểu bang từ nhiều năm qua khi cho rằng việc sửa chữa do bên thứ ba thực hiện không đảm bảo về an toàn và bảo mật cho thiết bị.
Huy Đức