Tờ Sueddeutsche Zeitung hôm 10/7 đưa tin trong cuộc gặp cùng ngày, Miguel Berger, quan chức phụ trách văn phòng Ngoại vụ Bộ Ngoại giao Đức, đã "lặp lại quan điểm của chính phủ Đức" về vấn đề Hong Kong với Đại sứ Trung Quốc tại Berlin Wu Ken.
"Chính phủ Đức, cùng với các đối tác EU, đã nhiều lần lên tiếng lo ngại rằng điều luật này có thể suy yếu nghiêm trọng quyền tự trị cao của Hong Kong và ảnh hưởng tiêu cực đến độc lập tư pháp", một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Đức dẫn lại quan điểm được đề cập trong cuộc gặp với Đại sứ Wu.
![Đại sứ Trung Quốc tại Đức Wu Ken. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/07/10/fb-cap-doi3-format2020-1701-1594399805.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Sfcfo4go0Ql2kF1-oF-2hA)
Đại sứ Trung Quốc tại Đức Wu Ken. Ảnh: AP.
Động thái của Đức được đưa ra sau khi nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế tỏ ra lo ngại về luật an ninh Hong Kong mới được thông qua. Các nước như Anh và Australia đã có phản ứng quyết liệt như tuyên bố "mở cửa" với cư dân Hong Kong, song Đức và các nước còn lại trong EU tỏ ra thận trọng hơn.
Luật an ninh Hong Kong hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Chính quyền trung ương Bắc Kinh và Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố thực thi mạnh mẽ luật an ninh nhằm khôi phục sự ổn định, phát triển của thành phố cũng như củng cố thêm chính sách "một quốc gia, hai chế độ", cam kết cho đặc khu mức độ tự trị cao.
Bắc Kinh cũng ra tuyên bố đề nghị các nước ngừng can thiệp vấn đề Hong Kong và các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Nước này cho biết 52 quốc gia ủng hộ luật an ninh Hong Kong như Cuba, Pakistan, Myanmar, Ai Cập, Cameroon, Venezuela, Belarus.
Ngọc Ánh (Theo AFP/ Reuters)