"Chúng tôi đã giao tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không vác vai Stingers và các thiết bị mà chúng tôi chưa bao giờ công khai để quá trình vận chuyển tới Ukraine có thể diễn ra nhanh chóng", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết hôm 20/4.
Khi được hỏi liệu Đức có chuyển pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Ukraine hay không, Ngoại trưởng Baerbock nói rằng Berlin sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine cách sử dụng và bảo trì các hệ thống vũ khí tiên tiến mà Kiev mua hoặc được các nước khác gửi.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, Đức không mặn mà với những lời kêu gọi viện trợ vũ khí cho Ukraine bất chấp căng thẳng leo thang. Chiến sự bùng phát sau đó đã buộc Đức thay đổi chính sách, gửi tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng cùng nhiều khoản hỗ trợ khác cho Ukraine.
Theo các thông báo của giới chức Đức, họ chưa cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine như xe tăng, trực thăng và máy bay. Lãnh đạo đảng đối lập Friedrich Merz đã thúc giục chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz gửi vũ khí hạng nặng.
Ukraine trước đó đã đề nghị Đức hỗ trợ 100 xe thiết giáp Marder, được sản xuất bởi công ty Rheinmetall. Giám đốc công ty Armin Papperger đã khẳng định họ có thể nhanh chóng chuẩn bị khoảng 20 chiếc Marder và gửi cho Ukraine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hồi đầu tháng nói rằng nước này không còn khả năng viện trợ khí tài trực tiếp từ kho vũ khí quân đội cho Ukraine, do vẫn phải duy trì một lượng dự trữ để đảm bảo khả năng phòng thủ quốc gia và bảo vệ đồng minh NATO.
Nga nhiều lần cảnh báo đoàn xe chở vũ khí từ các nước NATO là mục tiêu tấn công hợp pháp khi chúng tiến vào lãnh thổ Ukraine. Hôm 16/4, họ thông báo bắn hạ vận tải cơ Ukraine chở vũ khí phương Tây ở tỉnh Odessa, song không nêu rõ chủng loại vận tải cơ và những vũ khí nó mang theo.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)