Bà Felicitas Höptner, giám đốc Viện bảo tàng Giáng sinh tại thành phố Rothenburg khẳng định ông già tuyết đích thực đang "gặp nguy hiểm". Theo bà, giới trẻ Đức không còn hiểu gì về truyền thống, thậm chí không phân biệt được sự khác nhau giữa ông già Noel Đức và ông già Noel Mỹ.
Ông già Noel trước kia mang vẻ ngoài dữ tợn, bằng chứng là một tờ báo ở Munich thế kỷ 19 xuất bản bức ảnh người đàn ông choàng chiếc áo có mũ, vác một cây thông lấp lánh bước đi giữa màn tuyết. Vài thập kỷ sau, Thomas Nast, một họa sĩ biếm họa gốc Đức, đem ông già tuyết Đức đến Mỹ, thay cái áo choàng dài bằng chiếc mũ, tạo nên hình ảnh ông già Noel hiện đại.
Theo Hoptner, ông già Noel bắt đầu mặc áo đỏ và có vẻ mặt tươi cười sau một chiến dịch quảng cáo của Coca Cola vào thập niên 30. Thực tế, mặt mũi ông già Noel bản gốc thường xuyên cau có và hung dữ, không chỉ có nhiệm vụ mang quà đến cho trẻ em, mà còn có quyền phạt chúng nếu lũ trẻ chưa ngoan.
Ngoài ông già tuyết, bảo tàng của Hoptner còn xin Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO ghi tên Saint Nicholas vào danh sách những di sản văn hóa phi vật thể. Saint Nicholas là giám mục người Hy Lạp ở thế kỷ thứ 4 và được xem là tổ tiên của ông già tuyết.
Trong đơn, bảo tàng Đức đồng thời muốn đăng ký bản quyền hầu hết các truyền thống của ngày Noel, bao gồm cây thông, đồ kẹp quả hạch, đồ trang trí thủy tinh, lịch Mùa Vọng và chợ Giáng sinh, Telegraph cho hay.
Trần Trang