Đức, vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, là nước thực hiện nhiều xét nghiệm nCoV nhất lục địa với 300.000-500.000 ca mỗi tuần. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel muốn nâng con số này lên ít nhất 200.000 xét nghiệm mỗi ngày, theo tài liệu của Bộ Nội vụ Đức. Mục tiêu của họ là xét nghiệm tất cả người có triệu chứng cũng như toàn bộ người đã tiếp xúc các trường hợp dương tính được xác nhận.
Tài liệu của Bộ Nội vụ Đức nói rằng phương pháp này nhằm chuyển từ "xác nhận tình hình" sang "đi trước đón đầu".
Một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến là sử dụng dữ liệu vị trí của điện thoại thông minh để theo dõi lịch sử đi lại gần đây của bệnh nhân, nhằm xác định chính xác hơn và cách ly những người nghi nhiễm.
Kế hoạch của Đức giống chiến lược "truy dấu, xét nghiệm và điều trị" đã giúp Hàn Quốc kiểm soát dịch, bao gồm sàng lọc hàng loạt trường hợp nghi nhiễm và sử dụng nhiều công nghệ để truy dấu tiếp xúc. Các trang web chính phủ Hàn Quốc đăng lịch sử di chuyển 14 ngày của bệnh nhân, được xác định thông qua việc sử dụng thẻ tín dụng, camera an ninh và dữ liệu điện thoại di động. Người dân Hàn Quốc nhận được tin nhắn thông báo mỗi khi phát hiện ca nhiễm mới ở khu vực họ sống hoặc làm việc.
Mặc dù các quan chức chính phủ và các nhà dịch tễ học Đức ủng hộ theo dõi dữ liệu điện thoại di động, đây vẫn là ý tưởng gây tranh cãi tại quốc gia này.
"Chúng ta không nên để nỗi sợ dịch bệnh khiến chúng ta quên mất tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nếu tên của tất cả người nhiễm nCoV được công bố trên đài phát thanh từ ngày mai, nhiều người sẽ thấy biện pháp này không hợp lý", Christof Stein, từ ủy ban bảo về dữ liệu Kelber, nói.
Trong khi đó, Lothar Wieler, người đứng đầu mảng kiểm soát dịch bệnh của Viện Robert Koch (RKI), nhận định mặc dù Đức và Hàn Quốc là hai quốc gia rất khác nhau, chiến lược chống nCoV của Hàn Quốc "có thể là hình mẫu để noi theo". "Điểm mấu chốt là truy dấu dữ liệu điện thoại di động", ông nói thêm.
Với 541 ca tử vong trong số hơn 62.000 ca nhiễm, Đức có tỷ lệ tử vong chỉ là 0,86%, so với khoảng 10% ở Italy và 8% ở Tây Ban Nha. Nhưng Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo nước này có thể đối mặt với "cơn bão" ca nhiễm mới trong những tuần tới.
Wieler cho rằng tình trạng bệnh viện quá tải hiện giờ ở Italy cũng có thể xảy ra ở Đức. "Chúng ta không thể loại trừ viễn cảnh không có đủ máy thở cho bệnh nhân", ông cho biết.
Với 25.000 giường chăm sóc đặc biệt được trang bị máy thở, Đức có lợi thế hơn nhiều quốc gia khác về nguồn lực y tế đối phó Covid-19. Nhưng việc cắt giảm nguồn cung tài chính vài năm qua đã khiến hệ thống y tế nước này thiếu nhân sự.
"Trong vài tháng gần đây, một số giường chăm sóc đặc biệt đã phải ngừng hoạt động vì thiếu nhân viên", Reinhard Busse, chuyên gia về kinh tế y tế tại Đại học Kỹ thuật Berlin, cho hay. 17.000 vị trí điều dưỡng đang bị bỏ trống. Do đó, nhiều bệnh viện đang huy động nhân viên y tế đã nghỉ hưu hoặc sinh viên y khoa để hỗ trợ chống dịch.
"Ngay cả trước khi dịch bùng phát, một số cuộc phẫu thuật đã bị hủy vì thiếu nhân lực", Uwe Luebking, người đứng đầu mảng chính sách thị trường lao động tại Hiệp hội Thị trấn và Thành phố Đức, nói.
Kể cả khi có đủ nhân sự thì các y tá có thể mất tới 4 giờ mỗi ngày xử lý sổ sách giấy tờ, vì Đức tụt hậu so với các quốc gia khác trong việc số hóa thủ tục hành chính. Hơn nữa, các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới để ngăn chặn nCoV lây lan đã khiến lao động nước ngoài khó đến Đức làm việc. Các cơ sở y tế gần biên giới với Ba Lan, nơi thuê nhiều lao động Ba Lan, đang bị ảnh hưởng lớn.
Vì hệ thống y tế Đức trả cho các bệnh viện mức giá cố định cho mỗi ca phẫu thuật, nhiều bệnh viện vẫn tập trung thực hiện các ca phẫu thuật đã được lên lịch từ trước như thay khớp háng hoặc đầu gối, thay vì tăng cường khả năng cấp cứu. Mặc dù Spahn đã kêu gọi giám đốc khoảng 2.000 bệnh viện và phòng khám hủy tất cả ca phẫu thuật không khẩn cấp, một số cơ sở vẫn phớt lờ.
Wieler cảnh báo người Đức phải nhìn nhận nghiêm túc mối nguy hiểm của Covid-19. "Chúng ta rõ ràng phải thừa nhận rằng năng lực của chúng ta có thể không đủ", ông nói.
Phương Vũ (Theo AFP)