Trước cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, ứng viên thủ tướng Đức Olaf Scholz, chính trị gia có giọng nói nhẹ nhàng và không quá nổi bật trên chính trường, đã cam kết sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại của Angela Merkel. Bà Merkel nổi tiếng với phong cách lãnh đạo thận trọng, thích giải quyết các cuộc khủng hoảng trong hậu trường và hiếm khi đưa ra những tuyên bố "đao to búa lớn".
Sự thận trọng đó được thể hiện rõ ràng hồi giữa tháng 1, khi Nhà Trắng cử giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và Ngoại trưởng Antony Blinken tới Đức để thuyết phục tân Thủ tướng Scholz gây sức ép với Nga về dự án Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt quan trọng từ Nga tới Đức. Một số quan chức giấu tên am hiểu vấn đề kể lại rằng mặc dù thể hiện thái độ thân mật khi gặp các quan chức Mỹ, Thủ tướng Đức không đưa ra quyết định nào về Nord Stream 2.
Trong buổi tiếp Burns, cuộc họp hiếm hoi giữa một quan chức tình báo Mỹ cấp cao với một lãnh đạo nước ngoài tại văn phòng Thủ tướng Đức, Scholz tỏ ra quan tâm, nhưng khá bình thản với đề xuất hủy dự án Nord Stream 2, theo các nguồn tin. Giới chức Đức cho biết tin tình báo mà họ nhận được về khả năng Nga tấn công Ukraine còn cần phải thảo luận thêm, và họ đã rất ngạc nhiên khi các thông tin đó được công khai trong một cuộc họp báo của Nhà Trắng.
Một tuần sau, Blinken tới gặp Scholz để truyền đạt thông điệp tương tự và thúc đẩy Thủ tướng Đức tuyên bố ngừng dự án Nord Stream 2 như một biện pháp răn đe Nga. Nhưng Thủ tướng Scholz lắng nghe đề xuất này "với gương mặt không để lộ biểu cảm nào", một quan chức Mỹ giấu tên cho hay. Một lần nữa, ông từ chối công khai lên tiếng về dự án đường ống khí đốt.
"Mỗi khi Scholz nói những câu như: 'Mọi phương án đều được cân nhắc', chúng tôi nhận được thông điệp rằng Đức đang xem xét vấn đề. Tuy nhiên, điều chúng tôi nhận thấy là ông ấy không bao giờ nói ra cụm từ Nord Stream 2. Cần phải nói là 'Dự án Nord Stream 2 sẽ được xem xét'", một quan chức cấp cao Mỹ cho biết.
Thái độ của Scholz được thể hiện rõ ràng hơn qua sự bất nhất trong cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington hôm qua. Trong khi Biden tuyên bố rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sẽ bị đóng nếu Moskva tấn công Ukraine, Scholz đáp lại một cách mơ hồ và không trực tiếp nhắc tới dự án. Khi phóng viên hỏi thêm, ông không cam kết sẽ ủng hộ hủy dự án nếu Nga động binh.
Trong khi Mỹ, Anh và các đồng minh trong NATO cấp tập chuyển tên lửa, súng đạn cho Ukraine, Berlin lại thể hiện thái độ thận trọng khi từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, thậm chí không cấp giấy phép xuất khẩu để Estonia chuyển lựu pháo D-30 cho Ukraine.
Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko thậm chí từng mỉa mai 5.000 mũ sắt mà Đức viện trợ cho Ukraine là "trò đùa", cáo buộc Berlin "rõ ràng không nhận ra" họ đang đối đầu với lực lượng Nga vốn được trang bị hoàn hảo và "có thể tấn công bất cứ lúc nào".
Theo các phụ tá của Scholz, thái độ thận trọng của Thủ tướng Đức không xuất phát từ nỗi lo ngại Nga trả đũa hoặc nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt. Thay vào đó, chính phủ của Scholz cho rằng nỗ lực đưa Ukraine xích lại gần hơn với phương Tây cũng như hoạt động "bơm" vũ khí cho Kiev chỉ khiến tình hình châu Âu thêm bất ổn.
"Ai cũng biết rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO", một quan chức cấp cao giấu tên của Đức cho hay, đồng thời nhận định NATO đã mắc sai lầm chiến lược vào năm 2008, khi ngỏ lời mời Ukraine gia nhập. Động thái này khi đó đã bị cả Đức, Pháp và các cường quốc Tây Âu khác phản đối.
Scholz không đơn độc trong nỗ lực chống lại sức ép từ Mỹ liên quan tới khủng hoảng Ukraine. Pháp cũng từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine, kiên quyết phản đối kịch bản nước này gia nhập NATO và Liên minh châu ÂU (EU). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang công du tới Moskva, thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để tìm cách tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, khác với Pháp, Đức phụ thuộc khá chặt chẽ vào nguồn khí đốt Nga, quốc gia cung cấp tới một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của họ, nên giới quan sát thường coi đây là rủi ro chiến lược khiến Berlin dễ chùn bước.
Cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng chính thái độ ngần ngại này của Đức đang khiến Nga "được đà lấn tới" trong vấn đề Ukraine. "Putin coi Đức là mắt xích yếu ở phương Tây mà ông ấy có thể khai thác", Rasmussen nêu ý kiến, thêm rằng cách tiếp cận nhượng bộ với Nga "không dẫn đến hòa bình, mà ngược lại có thể gây ra xung đột và chiến tranh".
Tương tự động thái của Merkel sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Scholz công khai ủng hộ gia hạn lệnh trừng phạt Moskva nếu Putin ra lệnh đưa quân vào Ukraine. Nhưng cũng giống chính quyền tiền nhiệm, các nhà ngoại giao Đức hiện nay loại trừ những lệnh trừng phạt có thể gây cản trở dòng khí đốt từ Nga và cô lập hoàn toàn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Giới chức Đức thường chỉ ra rằng Nga chưa bao giờ cắt đứt nguồn cung khí đốt cho họ, ngay cả khi Chiến tranh Lạnh lên đỉnh điểm hay trong những giai đoạn căng thẳng gần đây. Philippa Sigl-Glockner, nhà kinh tế học từng hỗ trợ Scholz khi ông còn làm bộ trưởng tài chính, nhận định Thủ tướng Đức có thể chịu được áp lực bởi ông là người kiên nhẫn và không dễ bị lung lay.
Các cử tri Đức tới nay cũng ủng hộ cách tiếp cận thận trọng của Scholz. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 73% người Đức đồng tình với quyết định từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục tăng nhiệt và những lãnh đạo khác, như Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson, liên lạc trực tiếp với Putin và phía Ukraine, một số nhà quan sát đánh giá áp lực quốc tế và trong nước sẽ khiến Scholz phải can dự nhiều hơn.
"Scholz đã sai lầm khi hành động tương tự Merkel, cố tránh né cuộc khủng hoảng. Merkel có thể làm vậy bởi bà ấy đã tích lũy được uy tín trên toàn cầu, trong khi Scholz chưa tìm được chỗ đứng ngay cả ở Đức chứ chưa nói tới trường quốc tế. Mọi người đang lo ngại về lập trường thực sự của ông ấy", Lars Haider, người từng viết tiểu sử về Scholz, nhận định.
Trong khi đó, giới chức Đức cho biết Thủ tướng đang nỗ lực sau hậu trường để xây dựng lập trường chung của phương Tây trong khủng hoảng Ukraine, tránh những phát ngôn công khai có thể khiến căng thẳng leo thang. Họ còn chỉ ra rằng Đức là nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, đã hỗ trợ gần 2 tỷ euro (2,3 tỷ USD) cho nước này kể từ năm 2014.
"Nếu bạn đưa ra quá nhiều tuyên bố, các lựa chọn chính sách và con đường đàm phán sẽ bị thu hẹp", một quan chức giấu tên của Đức giải thích. Chính phủ Đức hôm 3/2 thông báo Scholz sẽ gặp các lãnh đạo Nga và Ukraine ngay sau chuyến thăm Washington.
Bình luận viên Bojan Pancevski của WSJ chỉ ra một trở ngại khác có thể khiến Scholz ngần ngại cứng rắn hơn với Nga là đảng Dân chủ Xã hội của ông có quan hệ hữu nghị truyền thống với Moskva. Một trong những người đứng về phía Nga nổi bật nhất là Gerhard Schroder, người tiền nhiệm kiêm cố vấn chính trị của Scholz và có quan hệ gần gũi với Putin.
Từ khi rời nhiệm sở, Schroder đã đảm nhiệm một số vị trí cấp cao trong hai công ty vận hành đường ống dầu khí là Nord Stream AG và Rosneft, tập đoàn thuộc nhà nước Nga. Ông thường xuyên bảo vệ lập trường của Nga, từng cảnh báo không lệnh trừng phạt nào có thể ngăn cản Moskva, thêm rằng khí đốt là yếu tố cuối cùng giúp gắn kết Moskva và phương Tây.
Một quan chức giấu tên cho biết khác với Schroder, Scholz không có quan điểm tích cực với Putin và cũng không ảo tưởng về Nga. Tuy nhiên, cả hai dường như nhất trí với nhau ít nhất một điều rằng ngay cả khi khủng hoảng tiếp tục leo thang và Nord Stream 2 không bao giờ đi vào hoạt động, khí đốt Nga vẫn sẽ chảy tới Đức thông qua những tuyến đường ống khác.
"Chúng tôi là quốc gia có chủ quyền và không bao giờ chấp nhận nước nào yêu cầu mình phải làm gì", quan chức này nói.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)