Bước đầu tiên trong luật hợp pháp hóa cần sa của Đức hiện cho phép người trên 18 tuổi được mang theo 25 gram cần sa và trồng tối đa ba cây cần sa tại nhà. Thay đổi này khiến Đức trở thành một trong những nước có luật cần sa tự do nhất châu Âu, bên cạnh Malta và Luxembourg, đã lần lượt hợp hóa cần sa vào năm 2021 và 2023.
Khi luật mới có hiệu lực lúc nửa đêm, hàng trăm người đã reo hò vui mừng trước Cổng Brandenbrug, địa điểm mang tính biểu tượng của thủ đô Berlin, trong đó nhiều người còn hút cần sa ăn mừng. Niyazi, 25 tuổi, rất vui vẻ nói rằng đây là "một chút tự do" với họ.
Bước tiếp theo trong luật cần sa mới ở Đức, có hiệu lực từ ngày 1/7, sẽ cho phép mua cần sa hợp pháp tại các "câu lạc bộ cần sa" phi lợi nhuận khắp cả nước.
Các câu lạc bộ này chịu sự quản lý của giới chức, được phép có tối đa 500 thành viên và có thể phân phối tối đa 50 gram cần sa cho mỗi người một tháng. Một người chỉ được đăng ký gia nhập một câu lạc bộ.
Kế hoạch ban đầu của chính phủ Đức về việc bán cần sa tại các cửa hàng được cấp phép đã bị hủy bỏ do vấp phải phản đối từ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, nước này đang đề xuất luật khác để thử nghiệm bán cần sa tại một số cửa hàng thí điểm.
Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz lập luận rằng hợp pháp hóa cần sa sẽ ngăn chợ đen cần sa phát triển. Tuy nhiên, các nhóm y tế lo ngại hợp pháp hóa cần sa có thể khiến giới trẻ tăng sử dụng loại chất này, từ đó dẫn tới những rủi ro sức khỏe. Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach, vốn là bác sĩ, cũng cảnh báo sử dụng cần sa có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là với người trẻ.
Chính phủ Đức đã cam kết thực hiện chiến dịch thông tin để nâng cao nhận thức về rủi ro khi dùng cần sa, đồng thời tăng cường các chương trình hỗ trợ. Chính phủ cũng nhấn mạnh vẫn cấm người dưới 18 tuổi dùng cần sa, cũng như cấm loại chất này xuất hiện trong phạm vi 100 m quanh các trường học, nhà trẻ, khu vui chơi.
Ngọc Ánh (Theo AFP)