"Đó là bước lùi đáng thất vọng với ngành y tế toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần cải cách nếu muốn làm nên sự khác biệt. Liên minh châu Âu (EU) phải nắm vai trò dẫn đầu và đóng góp kinh tế nhiều hơn. Đây là nhiệm vụ ưu tiên của Đức khi giữ chức chủ tịch luân phiên EU", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm nay viết trên mạng xã hội Twitter.
EU cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình. "WHO cần tiếp tục dẫn dắt phản ứng quốc tế với đại dịch hiện nay và tương lai. Sự tham gia và ủng hộ của tất cả các nước là rất cần thiết", chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết trong thông cáo chung.
Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định WHO "không thực hiện các cải cách rất cần thiết được yêu cầu", tuyên bố chấm dứt quan hệ và chuyển khoản đóng góp cho tổ chức này sang các nhu cầu y tế công cộng toàn cầu khẩn cấp xứng đáng hơn.
Hiện chưa rõ khi nào quyết định của Trump có hiệu lực. Nghị quyết năm 1948 của quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO viết rằng nước này "có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm". Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp, đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức.
Trump hôm 14/4 tuyên bố đình chỉ cấp ngân sách cho WHO với lý do tổ chức này thông đồng với Trung Quốc, che giấu tính nghiêm trọng của Covid-19 ở Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại. Cả WHO và Trung Quốc đều bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và kịp thời thông báo cho các nước.
Ngày 18/5, ông ra tối hậu thư, chỉ trích WHO là "con rối" của Trung Quốc, dọa dừng tài trợ vĩnh viễn trừ khi tổ chức thực hiện "những cải tiến đáng kể" trong 30 ngày.
Số tiền các thành viên WHO phải đóng góp được tính dựa trên tiềm lực kinh tế và dân số. Mỹ chiếm khoảng 20% tổng ngân sách của WHO trong hai năm qua, nhiều hơn mọi quốc gia. Năm ngoái nước này đã cấp ít nhất 400 triệu USD. Ngoài ra, Washington hàng năm tự nguyện tài trợ hàng trăm triệu USD cho các chương trình cụ thể của WHO như chống bệnh bại liệt, HIV, viêm gan và bệnh lao. Theo trang web của WHO, Mỹ còn "nợ" tổ chức 200 triệu USD đã cam kết đóng góp.
Vũ Anh (Theo AFP)