Thỏa thuận được thông qua tối 29/5 sau nhiều tuần đàm phán khó khăn giữa các đảng trong chính phủ liên minh và phe bảo thủ đối lập của cựu thủ tướng Angela Merkel. Điều này giúp chính phủ Đức lập ngân sách đặc biệt cho các hợp đồng mua sắm quân sự và đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP do NATO đặt ra.
Khoản tiền sẽ được lấy từ các khoản vay bổ sung và không nằm trong ngân sách quốc gia, buộc chính phủ Đức điều chỉnh quy định kiềm chế nợ công trong hiến pháp. Điều này buộc chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz cần sự ủng hộ của phe đối lập bảo thủ để đạt tối thiểu hai phần ba phiếu ủng hộ tại quốc hội.

Binh sĩ Đức trong một cuộc diễn tập ở vùng Hạ Saxon hôm 24/5. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Scholz cuối tháng 2 đề xuất khoản ngân sách đặc biệt 100 tỷ euro (107 tỷ USD) để tái vũ trang quân đội Đức và hiện đại hóa trang thiết bị lạc hậu của lực lượng này trong vài năm tới, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cấp thêm ngân sách quốc phòng là động thái đảo ngược chính sách lớn của Đức, quốc gia hứng nhiều chỉ trích từ Mỹ và đồng minh vì ngần ngại thực hiện cam kết chi tiêu quân sự tương đương 2% GDP trong những năm gần đây.
Đức đã cắt giảm đáng kể quy mô quân đội từ sau Chiến tranh Lạnh, từ 500.000 quân thường trực hồi năm 1990 xuống khoảng 200.000 người hiện nay. Báo cáo tình trạng quân đội được Berlin công bố hồi cuối năm ngoái cho thấy chưa đến 30% tàu hải quân Đức đủ khả năng hoạt động, trong khi nhiều tiêm kích cũng không bảo đảm trạng thái kỹ thuật để vận hành.
Đức gần đây tăng cường ủng hộ vũ khí, trang bị cho Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Bộ Quốc phòng Đức tháng trước cho biết sẽ chuyển giao 15 hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard đầu tiên cùng 60.000 viên đạn cho Ukraine để bảo vệ mục tiêu trọng yếu vào tháng 7. Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht hồi đầu tháng 4 cũng thông báo Đức sẽ chuyển cho Ukraine 7 tổ hợp pháo tự hành PzH 2000 cỡ nòng 155 mm.
Vũ Anh (Theo AFP)