Nơi đào tạo tập trung nhất là Trung tâm Đào tạo chứng khoán thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước, với 4 lớp học từ cơ bản, phổ cập kiến thức chứng khoán đến phân tích, luật. 5-6 tháng trở lại đây, trung tâm liên tục khai giảng lớp mới nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu công chúng. Mỗi khóa mở ra, học viên đăng ký lên tới vài trăm người, gấp 3-4 lần số lượng cho phép. Ông Tôn Tích Quý, Phó giám đốc Trung tâm cho hay, có lớp tuyển 300 học viên mà một ngày đã hết chỉ tiêu. Học phí tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng thời gian này năm ngoái mà nhà đầu tư vẫn không có chỗ để học. Học phí mỗi khoá học kéo dài 1 tháng (tuần 3 buổi) hiện 900.000-1,2 triệu đồng.
![]() |
Nhiều người đi học để nắm vững kỹ thuật đầu tư cổ phiếu. Ảnh: H.H. |
Lợi thế của Trung tâm đào tạo là sau khoá học, học viên được cấp chứng chỉ và hành nghề môi giới, tư vấn... Song học chứng khoán cần kiến thức thực tế trên sàn chứ không nặng về lý thuyết. Nhiều công ty tư nhân, cơ sở đào tạo chớp cơ hội mở lớp, mời giảng viên là chuyên gia đang làm việc tại các công ty chứng khoán. Công ty cổ phần đầu tư tư vấn và đào tạo quản trị kinh doanh CFM có hai lớp cơ bản và phân tích cổ phiếu, học phí 1,5-1,7 triệu đồng/8 buổi. Viện Quản trị Tài chính TP HCM cũng mở lớp với phí 1,8 triệu đồng.
Lớp mở ra thì phải có sách. Ngoài giáo trình của Ủy ban chứng khoán Nhà nước như cuốn "Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán", "Phân tích và đầu tư chứng khoán", "Luật áp dụng trong ngành chứng khoán" và "Bước đầu tìm hiểu về thị trường", các hiệu sách bày bán nhan nhản sách chứng khoán cả ta lẫn tây. Tựa sách muôn hình muôn vẻ, có những tên rất kêu như "Đầu tư chứng khoán nhất định thành công", "Warren Buffett - chiến lược đầu tư vào TTCK", "Bí quyết đầu tư chứng khoán - Kenneth A.Stern" hay "Hướng dẫn đầu tư vào TTCK - Cristine Stopp"...
Đa dạng nhà đầu tư
Do thời gian học thường bắt đầu từ 18h đến 21h30 các buổi tối trong tuần, nên mọi thành phần đều có thể tham gia. Ông Quý cho hay học viên không chỉ giới hạn ở sinh viên, học sinh, nhân viên công ty chứng khoán mà cả nhân viên các ngân hàng, tổ chức tài chính, tổng công ty, công ty cổ phần, tư nhân.
Anh Nguyễn Thành Minh, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng, cho hay anh chơi chứng khoán từ đầu năm nay chủ yếu dựa vào phân tích của bạn bè và tự đọc sách, sau một thời gian va vấp anh thấy cần học hành bài bản để nắm vững những kỹ thuật đầu tư chứng khoán.
Ở tuổi xế chiều, bà Hằng và 5 bà bạn trong Khu tập thể Đại học Kinh tế quốc dân cũng không quản mưa gió kéo nhau tới lớp học. Học phí 200.000 đồng một buổi, còn phải làm một đống bài tập nhưng không thấy bà bỏ buổi nào. Vài tháng nữa nghỉ hưu, bà muốn bồi bổ ít kiến thức trước khi bỏ ra 100 triệu đồng tậu cổ phiếu.
Cũng có người từng du học tại những nước có thị trường chứng khoán đẳng cấp như Mỹ, Nhật... vẫn cắp sách tới lớp. Hạnh Lê từng tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ. Lý do cô theo học lớp luật chứng khoán là "Thị trường VN không giống ai. Hơn nữa đến lớp để còn kết bạn, tham gia câu lạc bộ các nhà đầu tư tương lai để chia sẻ kinh nghiệm".
Theo đề án nâng cấp đổi mới công tác đào tạo chứng khoán tới năm 2010 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tới đây cán bộ, công chức, nhân viên hành nghề, doanh nghiệp và công chúng sẽ có những khóa học khác nhau, thay vì đánh đồng như hiện nay. Các bài tập tình huống từ kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đưa vào chương trình nhiều hơn để tạo cơ hội cho học viên thực hành.
Trung tâm đào tạo chứng khoán sẽ đẩy mạnh mô hình đào tạo theo nhu cầu, nghĩa là tổ chức lớp học tại các cơ quan, doanh nghiệp. Mới đây, lớp học của Tổng công ty Dệt may thu hút 105 người tham dự, lớp học tại Bộ Xây dựng có hơn 200 người, nhiều buổi phổ cập kiến thức chứng khoán miễn phí cũng sẽ được tổ chức.
Việt Phong