Sau chừng 20 phút, xe bán tải dừng trước dãy nhà trọ số 1061, quốc lộ 1A, phường Thới An. Tại đây, đại diện 11 hộ gia đình đợi sẵn. Tình nguyện viên nhanh chóng xuống hàng. Từng người được đọc tên lên nhận 10 ký gạo và một túi nhu yếu phẩm. Anh Nguyễn Ngọc Thắng, 36 tuổi, nhân viên giao hàng và là người trực tiếp gọi điện cho Trung tâm an sinh quận 12 cầu cứu nhẩm tính số lương thực này đủ cho gia đình anh cầm cự một tuần.
Hơn 20 người trong khu trọ của anh Thắng đều là lao động tự do, mất việc gần hai tháng qua, cuộc sống lâm vào cảnh khốn khó. Nam shipper cho hay mấy hôm trước một người quen gửi số điện thoại 028.36368587 và nhắn "gọi đi sẽ có người giúp thực phẩm". Sau hai lần đầu dây bên kia báo bận, có một giọng nữ nghe máy. Hai hôm sau cuộc gọi, xóm trọ của anh được hỗ trợ.
Rời khu trọ của anh Thắng, xe bán tải chạy tới một khu lán trại của 14 thợ hồ bị "mắc kẹt" tại công trình ở phường Thạnh Xuân. Anh Duy Tùng cho hay, trung tâm nắm được thông tin khi một người dân ở gần đó chụp hình nhóm thợ gửi lên trang facebook Mặt trận tổ quốc quận 12. Nhóm lao động tự do 12 nam, 2 phụ nữ đã lớn tuổi và một em bé gặp khó khăn về thực phẩm khi thành phố siết đi lại, yêu cầu người dân "ở đâu yên đó để chống dịch".
Bà Võ Thị Mai, 62 tuổi, quê Tiền Giang nói rằng do ít chữ, lại không rành điện thoại nên cả nhóm không biết cầu cứu ai. Gần hai tháng bám công trình nhưng chỉ làm được 6 ngày, lương không đủ mua thực phẩm nên ai cho gì ăn đó. Nhiều người cả ngày chỉ ăn một bữa, còn lại cố gắng ngủ để quên cơn đói.
"Tuần sau trung tâm sẽ chăm tiếp, nhưng nếu hết gạo sớm, bà con hãy chủ động gọi báo", anh Tùng nói cho biết thêm khi người dân liên hệ Trung tâm, thông tin về họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân được lưu lại trên hệ thống "An sinh TP HCM" của quận. Điều này giúp tổ tiếp nhận xử lý thông tin nhanh hơn ở lần gọi sau, dễ dàng theo dõi công tác cứu trợ toàn địa bàn. Hiện, mỗi suất lương thực cấp phát đủ để mỗi gia đình sử dụng trong một tuần. Mỗi ngày, hệ thống sẽ lọc ra những người đến hạn để trung tâm cung cấp lương thực.
Theo Phó giám đốc Trung tâm an sinh quận 12 Nguyễn Thị Kim Cúc, đây cũng là điểm mới của công tác cứu trợ thực phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Tổ tiếp nhận không chờ người khó khăn gọi đến mà chủ động tiếp tế vì đã có danh sách theo dõi. Tránh trường hợp một nơi nhận nhiều lần, nơi không được giúp đỡ, trung tâm kết nối chặt chẽ các đội an sinh ở phường, khu, tổ dân phố. Các thông tin người khó khăn sẽ được gửi về cơ sở để kiểm tra, đảm bảo "chốt đơn" trong ngày, hôm sau hàng cứu trợ đến tay người dân.
"Trung tâm an sinh quận sẽ hỗ trợ trực tiếp những khu vực có trên 10 người khó khăn, trường hợp nhỏ lẻ sẽ chuyển về đội an sinh của phường đảm nhận", bà Cúc nói và cho biết mỗi túi quà, phường sẽ kèm mẫu thông tin đầy đủ điện thoại cán bộ phụ trách y tế, chính sách, thực phẩm... để người dân gọi khi cần.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM kiêm Phó giám đốc thường trực Trung tâm an sinh TP HCM cho biết, trước đây việc thực hiện an sinh cho người dân đã được Mặt trận thành phố và các tổ chức thành viên thực hiện. Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư bùng phát kéo dài, ảnh hưởng nhiều người dân, nên lãnh đạo thành phố chỉ đạo thành lập trung tâm an sinh hoạt động chuyên nghiệp trong việc thu nhận, phối phối hàng cứu trợ. Ngày 15/8, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu phục vụ người khó khăn bởi Covid-19 (Trung tâm an sinh TP HCM) ra mắt.
Theo ông Tuấn, không chỉ ở quận 12 mà tất cả người dân ở thành phố gặp khó khăn về thực phẩm có thể gọi về tổng đài 1022. Người dân ở các địa phương gọi 22 số điện thoại của mặt trận quận huyện. Thông tin được ghi nhận bằng link Google Sheet trực tuyến để các địa phương theo dõi, hỗ trợ ngay. Ngoài ra, các tổ phản ứng nhanh của phường, xã, thị trấn cũng là kênh gần gũi giúp đỡ người dân.
"Cái mới của Trung tâm an sinh là tổ chức ở 3 cấp: thành phố, quận huyện, phường xã nên việc tiếp nhận, điều phối hàng hóa cần cứu trợ nhanh hơn", ông Tuấn nói và cho hay trung tâm ứng dụng tối đa công nghệ thông tin giúp cho thống kê, dự báo khu vực cần trợ giúp diễn ra nhanh; việc kết nối giữa người muốn hỗ trợ và người cần giúp dễ dàng.
Trong đợt dịch thứ 4, từ đầu tháng 6/2021, TP HCM đã triển khai nhiều biện pháp giãn cách xã hội với các cấp độ thắt chặt tăng dần. Từ 0h hôm nay, TP HCM tăng cường biện pháp chống Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly với phường xã, thị trấn.
Để hỗ trợ người dân, thời gian qua ngoài gói 26.000 tỷ đồng áp dụng chung toàn quốc, thành phố triển khai hai gói hỗ trợ riêng tổng trị giá gần 1.800 tỷ đồng, vừa bổ sung thêm hơn 2.500 tỷ đồng. Mới đây, chính quyền TP HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp hơn 1,5 triệu hộ dân (khoảng 4,7 triệu người) khó khăn do ảnh hưởng Covid-19.
Trong hai tuần siết chặt giãn cách, người dân TP HCM nếu không có lý do cấp thiết được yêu cầu ở nhà và chính quyền sẽ cung cấp lương thực qua hình thức "đi chợ hộ". Người khó khăn sẽ được cung cấp lương thực miễn phí. Thời gian này, Trung tâm an sinh thành phố vẫn hỗ trợ chuyển hàng tiếp tế, thực phẩm đến các khu dân cư, trong đó triển khai trao 2 triệu túi an sinh cho người dân ảnh hưởng bởi Covid-19.
Lê Tuyết