Cuối tháng 3, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) Trần Quốc Toản nói với VnExpress rằng, đơn vị này vừa chính thức đề nghị UBND thành phố hỗ trợ tham gia ngành công nghiệp đóng tàu.
SAMCO đang được thành phố xếp số 1 trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất ôtô. Tuy nhiên, theo ông Toản, ngành ôtô nội địa đang bị cạnh tranh dữ dội với các đại gia liên doanh, trong khi thị trường đóng tàu trọng tải lớn còn mới mẻ và rất nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. "Nếu không tham gia ngay từ bây giờ thì SAMCO sẽ chậm chân so với các đơn vị khác", ông Toản xác định.
Ông Toản cho rằng, có một thị trường cực kỳ lớn cho các công ty đóng tàu nhỏ, tập trung vào các loại tàu trọng tải dưới 10.000 tấn. Hầu hết các nhà máy đóng tàu hiện có của Vinashin sẽ dồn vào đóng tàu lớn, trong khi không ít khách hàng nước ngoài có nhu cầu đặt hàng tàu nhỏ. Theo ông Toản, SAMCO sẽ đón lõng lượng khách hàng này trong tương lai.
Dự kiến, bước đầu SAMCO sẽ xin phép đóng tàu trọng tải 3.000 tấn, sau đó nâng lên 5.000 DWT, rồi 10.000 DWT. Tổng công ty này cũng xác định, càng đóng tàu trọng tải lớn càng đòi hỏi kỹ thuật hoàn thiện, cao cấp hơn.
Ụ sửa chữa tàu ở cảng Nhà Bè, TP HCM. Ảnh: P.A. |
Khai sinh nhiều nhà máy đóng tàu mới
Giữa tháng 3, nhà máy đóng tàu Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình đã được khởi công với kinh phí giai đoạn đầu tư ban đầu hơn 45 tỷ đồng. Theo tính toán, công suất nhà máy có thể đóng mới 5 chiếc tàu có sức chở 1.000-2.000 DWT, 20 chiếc tàu tuần tra trinh sát, tàu quân sự, đánh cá, sà lan; sửa chữa 1.000 loại tàu và phương tiện nổi khác.
Trước đó 2 tháng, nhà máy đóng tàu Phú Yên khánh thành để đóng 4 tàu 600 CV, 1 tàu tải trọng 1.000 tấn mỗi năm.
Trong khi đó, hàng loạt nhà máy đóng tàu đang nằm trên giấy của nhiều tỉnh để chào mời các nhà đầu tư dự án. Theo Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM, dự án nhà máy đóng tàu An Phú tại cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp này ở phía Nam, đang trong giai đoạn hoàn chỉnh dự án tiền khả thi. Tổng vốn đầu tư dự án là 60 triệu USD. Khi đi vào hoạt động, nhà máy này có thể sản xuất ra những chiếc tàu sức chở dưới 30.000 tấn, đồng thời có cả 1 đường triền hạ thủy tàu 50.000 DWT.
Một nhà máy đóng tàu khác do Vinashin đầu tư 300 tỷ đồng cũng dự kiến sẽ được xây dựng tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Theo thiết kế, nhà máy này sẽ được trang bị đầy đủ điều kiện đáp ứng cho việc sản xuất tàu 5.000-10.000 DWT. Theo chủ đầu tư, dự án có thể được UBND tỉnh phê duyệt ngay trong tháng 4.
Nguy cơ thừa nhà máy, thiếu đơn hàng
Trao đổi với VnExpress, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các công ty đua nhau đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp nội địa. Song, khi nhà nhà, người người đều đi đóng tàu, bài học khủng hoảng thừa của các nhà máy mía đường, chậm phát triển đến mức dẫm chân tại chỗ như ô tô... cũng được các chuyên gia kinh tế đặt ra đối với ngành công nghiệp đóng tàu trong tương lai.
Ông Nguyễn Xuân Thiệu, Tổng giám đốc cảng biển Lotus tại TP HCM cho rằng, để đóng mới một tàu có tải trọng 10.000 tấn trở lên, nhiều nhà máy hiện tại của Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật. Chưa kể tàu lớn hơn 50.000 DWT, càng nhiều khó khăn hơn. Kỹ thuật của Việt Nam lâu nay chỉ thích hợp để đóng tàu tải trọng nhỏ, dưới 3.000 DWT, bây giờ chuyển sang sản xuất tàu lớn, toàn bộ kỹ thuật, kể cả chuyên gia, phải nhập từ nước ngoài. Chi phí do đó cũng tăng lên rất cao.
Giám đốc một nhà máy đóng tàu đang phôi thai trên dự án cũng cho biết, công ty ông phải thuê những chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ kỹ thuật và cố vấn cho dự án. Chưa kể, công ty ông hy vọng vào các chuyên gia nước ngoài, bằng mối quan hệ riêng sẽ thu hút đơn đặt hàng từ các nước.
Thế nhưng, đối với một nhà máy đóng tàu, không phải dễ dàng để tìm kiếm được những đơn hàng. Ông Trần Quốc Toản thừa nhận rằng, nhà máy đóng tàu mới có thể rất khó tìm được đơn hàng do chưa đủ uy tín thương hiệu, cạnh tranh với các nhà máy đóng tàu khác. Tuy nhiên theo ông, "nếu Vinashin đến nay đã nhận được đơn hàng đủ để sản xuất đến năm 2015, thì tại sao nhà máy mới của chúng tôi không tìm được khách". Ông Toản lạc quan cho rằng, khách hàng tiềm năng trên thế giới là vô cùng lớn, đặc biệt sẽ thu hút vào Việt Nam nhờ lợi thế giá nhân công rẻ, giúp giảm giá thành sản xuất.
Phan Anh