Trưa 11/9, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch huyện Phước Sơn, cho biết đã vận chuyển 14 tấn gạo cho ba xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc với hơn 4.000 dân.
"Gạo được xe tải chở đến các điểm cất trữ của mỗi xã để phòng trường hợp địa bàn bị cô lập nhiều ngày", ông Trung nói. Trước nguy cơ sạt lở vùi lấp đường, chính quyền lên phương án đưa phương tiện cơ giới sẵn sàng thông tuyến, đảm bảo giao thông.
Huyện Phước Sơn đưa gạo trước khi bão vào là rút kinh nghiệm sau trận mưa bão cuối tháng 10/2020 xảy ra khiến 13 người chết và mất tích. Lần đó, đường sá bị sạt lở, ba xã này cô lập hơn 20 ngày, người dân thiếu thức ăn. Để có nguồn lương thực, bộ đội phải dùng trực thăng tiếp tế và người dân vượt núi cõng gạo về làng.
Ứng phó với mưa bão Côn Sơn, sáng sớm nay cán bộ xã Phước Thành đến từng hộ dân có nguy cơ sạt lở vận động di dời đến UBND xã và các nhà an toàn trú tránh. Xã đã di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân với 478 khẩu về nơi an toàn.
Chủ tịch xã Phước Lộc, ông Lưu Huyền Thoại cho biết, 5 tấn gạo được huyện cấp đã chuyển đã cất trữ trong kho. Trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền tích trữ gần 10 tấn. "Tổng hai nguồn này sẽ giúp người dân ăn trong khoảng một tháng, nếu bị cô lập".
Từ đêm qua đến chiều nay, huyện Phước Sơn ghi nhận mưa to. Sông suối trên địa bàn nước lũ đổ về dâng lên. Đoạn đường ĐH 1 qua trung tâm xã Phước Thành nước chảy ngập nửa mét bị chia cắt. Chính quyền xã cử lực lượng chốt chặn không cho phương tiện đi qua.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết bão hiện cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 210 km, sức gió mạnh nhất 100 km/h, cấp 9-10, giật cấp 12. Hôm nay, bão đi chậm hướng tây với tốc độ 5 km/h. Đến 7h giờ ngày 12/9, tâm bão trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam, sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11.
Ngày 12 đến 14/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa với lượng phổ biến 100-200 mm, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250 mm. Các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa với lượng phổ biến từ 50-80 mm, có nơi trên 100 mm.