Sáng mùng bốn, nhà tôi cúng tiễn ông bà trở về trời sau mấy ngày Tết cùng con cháu. Tôi nghe nói mùng năm mới nên dỡ đồ cúng, nhưng nhà tôi ăn Tết gọn lẹ nên sớm hơn. Mẹ nhắc nhở chúng tôi rằng "hết Tết rồi, không được phá nữa". Lúc đó tôi mới nhận ra rằng mấy ngày qua chắc mình nghịch ngợm lắm, khiến mẹ phải dọn dẹp đến hết hơi.
Ngoài chợ, các gian hàng bắt đầu mở lại. Theo lệ thì hàng rau hàng cá là ở phía sau, nhưng hàng rau thì bao giờ cũng mở trước cả, nên các chị hàng rau kéo nhau lên ngay mặt chợ. Mẹ hay bảo tôi đi mua rau tươi về ăn cho đỡ ngán sau một cái Tết đầy thịt và dầu mỡ. Bữa ăn đầu tiên đầy rau tươi có nghĩa là cái Tết đã hết.
Nhà tôi có lệ là ngày Tết thì được chơi bài (không ăn tiền), nhưng Tết hết thì phải dẹp. Ba tôi hay đem bộ bài cất đi. Có năm em tôi đem chôn bộ bài và nói rằng nó sẽ đào lên khi Tết lại đến. Thực ra thì đất đồng bằng nhiều nước, chôn ít lâu thì bộ bài đã hỏng cả rồi.
Có năm, mãi tới mùng năm bác tôi và các anh họ mới tới nhà tôi chơi. Cả nhà rủ nhau đi hội chợ ở thị xã. Hội chợ lúc này vắng tanh, nhưng các gian hàng vẫn còn mở. Đi vào ai cũng ra sức mời chào vì không có khách. Chúng tôi khoái chí tham gia đủ thứ trò chơi mà không phải chen lấn. Cái Tết muộn cũng có hương vị riêng của nó.
Khi tôi còn nhỏ, nhà trường hay lên lịch học lại ngày mùng 6. Ngày đấy nhà trường luôn có lễ chào cờ để nhắc nhở chúng tôi là việc học đã trở lại. Các khuôn mặt học sinh còn thấm đẫm cái Tết cứ ngơ ngác nhìn nhau. Có đứa còn mang trong túi mấy trái pháo chuột, dù không dám đốt vì trường cấm pháo.
Cái Tết ra đi, chỉ để lại dư âm về mấy ngày đoàn tụ. Tôi nhớ có năm, hết tháng giêng rồi mà tôi vẫn còn thấy một mảnh xác pháo màu hồng giắt trên hàng rào kẽm gai. Cái Tết ngày xưa vương vấn ở lại đến hết tháng giêng là vậy.
Ngày rằm nguyên tiêu, hàng quán đông nghịt, đặc biệt là hàng bán đồ chay. Nhà tôi cũng ăn chay, chủ yếu là để đỡ ngán. Ngày đấy người người đi chùa cầu an. Tiếng rằng tháng giêng là tháng ăn chơi, nhưng người làm nông và người buôn bán nhỏ thì khai trương từ mùng bốn tới mùng sáu cả.
Ngày nay, cuộc sống trên đất Mỹ khiến mọi thứ hoàn toàn đảo lộn. Có năm cái Tết của tôi chẳng hề đến, bởi lẽ tôi phải đi làm. Có một năm chả hiểu sao tôi phải có mặt ở toà án ngày mùng một (tôi là luật sư). Ngày mùng một mà mặc vest ngồi nghe những câu như "sau khi ông ấy đánh bà kia, thì chuyện gì xảy ra?", cảm giác thật khó tả.
Năm nay tôi lấy một ngày nghỉ vào mùng một và đi chùa. Trong khi nhà chùa tụng kinh buổi sáng và tôi đang quỳ nghe kinh thì điện thoại reo vang, lại là một đồng nghiệp. Ít lúc sau tôi ngồi ăn bữa cơm Tết với thịt kho dưa giá, canh khổ qua và bánh tét cùng gia đình dì thì điện thoại lại reo. Khi điện thoại reo tới lần thứ ba thì tôi chịu thua và lái xe trở lại văn phòng.
Phải công nhận các đồng nghiệp Mỹ của tôi đầu óc tỉnh táo thật. Tôi tới văn phòng, họ mang công việc tới và bàn bạc như thường. Mãi mấy tiếng sau, một người gặp tôi thì cười phá lên. Bấy giờ tôi mới nhớ ra là mình đang mặc áo dài đỏ và đi guốc (họ gọi là giày gỗ).
Cái Tết đã đến rồi lại đi. Cầu mong một năm mới an lành cho tất cả mọi người Việt, dù đang sống trên quê hương hay là xa xứ.
Khánh Huỳnh
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |