Trong báo cáo cập nhật công bố hôm nay, Ngân hàng ANZ dẫn con số ước tính về lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 32 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước không công bố con số cụ thể nhưng ANZ đưa ra dự báo dựa trên báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6, khóa XIII.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, chịu được khoảng 12 tuần nhập khẩu. Mức dự trữ này đã tăng từ 6 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2010 lên 6,5 tuần vào cuối năm 2011 rồi lên 12 tuần cuối năm 2012 và 2013.
Với mức dự trữ đã cải thiện tương đối này, trong buổi công bố bản báo cáo "Việt Nam: 2014-2015 nhiều hứa hẹn" mới đây, ông Glenn Maguire - chuyên gia, kinh tế trưởng Khu vực châu Á Thái Bình Dương của ANZ cho rằng sẽ không có nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, cụ thể là phá giá VND, từ nay đến cuối năm. Lập luận này cũng tiếp tục được khẳng định trong bản cập nhật công bố hôm nay. "Chúng tôi vẫn tin rằng tỷ giá sẽ vào khoảng 21.500 đồng một đôla vào giữa năm 2014", báo cáo của ANZ cho hay.
Kinh tế trưởng của ANZ Glenn Maguire cho rằng tỷ giá khó điều chỉnh từ nay đến cuối năm. Ảnh: Thanh Lan. |
Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định thời gian qua đã mua được lượng lớn ngoại tệ và bơm tiền đồng ra thị trường, góp phần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Động thái này của nhà điều hành cũng thể hiện dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng mạnh và ổn định.
Báo cáo cập nhật của ANZ hôm 28/10 cũng đưa ra những nhận định về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, cán cân thương mại 12 tháng của Việt Nam sẽ tiệm cận mức thặng dư khi chỉ thâm hụt khoảng 0,5 tỷ USD. Đây là bức tranh tương phản với thâm hụt thương mại lớn trong năm 2010 tới hơn 15 tỷ USD.
Việc nới trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP trong năm 2013, 2014 đang được Quốc hội xem xét. Đến nay, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng như phần lớn đại biểu Quốc hội đã đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Cùng với xin nới trần, Chính phủ cũng vừa đề nghị phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung đầu tư cho giai đoạn 2014 - 2016.
Bình luận về việc này, ANZ cho rằng Việt Nam cần lưu ý với tốc độ gia tăng của nợ công trong vòng 10 năm trở lại đây. Đây không phải lần đầu tiên ngân hàng này đưa ra cảnh báo này mà trong báo cáo cập nhật hồi tháng 9, ANZ cũng cho rằng Chính phủ cần thận trọng hơn về vấn đề nợ công.
Riêng về tốc độ tăng trưởng GDP, trong báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố tuần trước, Ông Glenn Maguire - chuyên gia, Kinh tế trưởng Khu vực châu Á Thái Bình Dương của ANZ cho rằng, GDP năm 2013 chỉ tăng 5,1% và cải thiện trong năm 2014 lên 5,25%. Nhận định này tỏ ra kém lạc quan nhất nếu so với con số Chính phủ đưa ra (khoảng 5,4%) và ước đạt 5,3% của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Trả lời VnExpress.net về mức dự báo khiêm tốn này, ông Glen Maguire nói: "Việt Nam có tỷ lệ vay nợ khá cao, tỷ lệ đòn bẩy tài chính nhiều cộng thêm những gánh nặng về nợ xấu khiến ANZ đưa ra mức dự báo khiêm tốn như vậy". Bên cạnh đó, ông Glenn Maguire cũng nói thêm, nếu muốn quay trở lại thời kỳ tốc độ tăng trưởng ấn tượng như trước, cần cải thiện hoạt động đầu tư, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn. "Nếu không, tôi nghĩ việc tăng trưởng GDP sẽ ở mức khiêm tốn, khoảng 5,1%", vị chuyên gia của ANZ nói.
Về lạm phát, ANZ vẫn giữ quan điểm cho rằng CPI cả năm sẽ dao động ở mức thấp trong khoảng từ 6-8%. "Cầu trong nước yếu sẽ giữ cho giá cả tiêu dùng không tăng trong trung hạn", các tác giả cho biết.
Cuối cùng, theo đánh giá của ANZ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam dù cầu trong nước vẫn còn rất yếu. Tổng vốn FDI tới tháng 10 đạt khoảng 13,1 tỷ USD trong đó, khu vực sản xuất công nghiệp vẫn thu hút trên 80% vốn FDI.
Thanh Thanh Lan