Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tháng 11/2018; đã qua hai lần thảo luận tại hội trường và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua ngày 14/6.
Theo Ban soạn thảo, kinh nghiệm thế giới cho thấy 3 nhóm biện pháp có hiệu quả cao là: Hạn chế tính sẵn có và tính dễ dàng tiếp cận; ban hành chính sách thuế, giá nhằm tăng giá sản phẩm; kiểm soát quảng cáo. Do đó, dự án Luật được cơ quan chủ trì là Bộ Y tế xây dựng sẽ dựa theo các chính sách trên.
Tuy nhiên, sau một năm trải qua các quy trình hội thảo, xin ý kiến, trình thẩm định và sửa chữa, kết thúc phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (12/4/2019) nhiều quy định được đại biểu nhận xét là "xương sống" của luật bị rút khỏi dự thảo, nhất là nhóm số 2 và nhóm số 3.
Những "đốt sống" bị loại bỏ
Đầu năm 2018, khi được đưa ra lấy ý kiến người dân, Dự thảo luật quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức. Rượu, bia dưới 5 độ không được quảng cáo trên hầu hết loại hình báo chí và các thiết bị công nghệ; rượu, bia từ 5 độ đến dưới 15 độ chỉ được quảng cáo trên báo hình, báo nói từ sau 22h đến 6h sáng ngày hôm sau.
Dự Luật cũng quy định không được bán rượu, bia trên mạng internet và máy bán hàng tự động; lập quỹ nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
Một trong các nguồn huy động kinh phí phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng là từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu loại đồ uống này.
Sau thời gian tiếp thu các góp ý, dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV tháng 11/2018 đã bỏ quy định bán rượu bia theo giờ; bỏ đề xuất lập quỹ nâng cao sức khoẻ cộng đồng và không có khoản đóng góp bắt buộc với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu bia.
Thời gian cấm quảng cáo cũng được thu hẹp, chỉ còn cấm trên báo hình và báo nói trong khoảng 18h-21h cho loại rượu, bia từ 5 độ đến dưới 15 độ. Các điều khoản áp dụng với rượu bia dưới 5 độ bị loại bỏ khỏi dự thảo.
Đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (từ 20/5 đến 14/6), dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia lần thứ hai được thảo luận tại hội trường trước khi thông qua.
Lúc này, quy định cấm bán rượu bia trên internet tiếp tục được đưa ra khỏi văn bản trình Quốc hội. Thay vào đó, dự thảo quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử. Việc cấm quảng cáo chỉ còn áp dụng với rượu từ 15 độ cồn trở lên và truyền hình không được quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn từ 19h đến 20h hằng ngày. Quy định liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không còn.
Như vậy, dự thảo Luật mới nhất đã loại bỏ các quy định: Cấm bán rượu, bia trên internet; thuế tiêu thụ đặc biệt; thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ... Quy định kiểm soát quảng cáo được nới lỏng so với đề án ban đầu.
Ý kiến trái chiều
"Tôi thấy bất ngờ vì dự thảo này không còn cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên internet, trong khi nội dung này đã được quy định tại nghị định số 105 năm 2017 của Chính phủ", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Phú Yên) nói trong phiên thảo luận hôm 23/5. Bà thấy khó hiểu khi kinh nghiệm "hạn chế tính sẵn có của rượu, bia" không được kế thừa.
Nhiều đại biểu khác đề nghị đưa các điều khoản đã bị loại bỏ trở lại dự Luật, như quy định về thời gian cấm bán rượu, bia... Một số đại biểu chỉ ra điều khoản "cấm quảng cáo rượu bia từ 19h đến 20h trên báo nói và báo hình" là mang tính hình thức. Vì thực tế, khung giờ này lâu nay là chương trình Thời sự, là "vùng trắng" với hoạt động quảng cáo rượu bia.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) nói, trên cơ sở ý kiến tại hội trường và văn bản góp ý của các đại biểu, ban soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra là Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã thống nhất nhóm nội dung gửi Thường vụ Quốc hội xin ý kiến, trước khi gửi đại biểu biểu quyết chọn phương án vào chiều 3/6.
Năm 2017, người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.
Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 26.000 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).