Dữ liệu lớn là một trong những chủ đề được các nhà khoa học từ 15 quốc gia đề cập tại Hội thảo quốc tế về kinh tế, quản trị và kinh doanh (CIEMB 2019) tại Hà Nội của Đại học Kinh tế Quốc dân ngày 26-27/11.
Theo báo cáo của McKinsey, từ hơn 5 năm trước, 35% khoản mua sắm trên Amazon và 75% những gì họ xem trên Netflix đến từ việc gợi ý sản phẩm, dịch vụ nhờ vào thu thập hành vi người dùng. Đó là những ví dụ nhỏ nhất cho thấy sức mạnh của dữ liệu – loại dầu mỏ mới trong nền kinh tế.
Chuyên gia cao cấp của WB cũng nhiều lần lấy ví dụ về lợi ích của dữ liệu mở đối với cộng đồng và tăng trưởng kinh tế tại các nước tiên phong như Mỹ, Anh, Australia, Đan Mạch... Dữ liệu mở về thời tiết ở Mỹ đã tạo ra hơn 400 công ty, sử dụng hơn 4.000 lao động. Ở Anh, dữ liệu mở về giao thông đã đóng góp từ 15 – 58 triệu bảng chỉ tính riêng năm 2012 nhờ tiết kiệm thời gian cho hành khách.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã sử dụng các bộ dữ liệu lớn trong việc dự báo kinh tế vĩ mô, giám sát và dự báo thị trường tài chính. Ngân hàng Anh đã thiết lập những dự án chuyên sâu để xác định động lực và thanh khoản thị trường ngoại hối khi có những thay đổi lớn trên thị trường. Cơ quan Quản lý tiền tệ Hong Kong nghiên cứu sử dụng các quy định về kỹ thuật giao dịch để dự báo doanh thu trái phiếu chính phủ. Tại Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), việc sử dụng các dữ liệu có tần suất xuất hiện cao có ích cho việc đánh giá thanh khoản thị trường trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng như những rủi ro tiềm tàng về biến động giá cả.

Ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại sự kiện CIEMB 2019. Ảnh: Đại học kinh tế quốc dân.
"Các chuyên gia quốc tế có những bài học sâu sắc về việc sử dụng dữ liệu lớn trong việc nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, dữ liệu về dân cư phải đầy đủ", ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nêu vấn đề.
Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, tại Việt Nam, kho dữ liệu về dân cư và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Để phục vụ người dân, quản lý xã hội tốt hơn, Việt Nam cần xây dựng dữ liệu về cư dân tốt hơn, thông tin về hệ thống doanh nghiệp cần phải được công khai minh bạch hơn nữa.
Ông Robin Mason, Phó hiệu trưởng Đại học Birmingham, Vương quốc Anh cũng nhận định, nền kinh tế càng minh bạch càng tốt và Việt Nam đang đi đúng hướng. Sự minh bạch thông tin ở cả khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân đang ngày một cải thiện. Với những bước chuyển biến mạnh mẽ, Việt Nam đang dần tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng điều này là một quá trình dài để thay đổi, khó có thể thực hiện một sớm một chiều.
Bên lề sự kiện, Phó hiệu trưởng Đại học Birmingham cũng chia sẻ về nền kinh tế toàn cầu trước diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại. Trên phương diện kinh tế, tất cả quốc gia đều là người thua cuộc trong cuộc chiến này. Chiến tranh thương mại ảnh hưởng tiêu cực đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Ông cho rằng điều này đã được chứng tỏ hơn 200 năm bởi nhà kinh tế học nổi tiếng David Ricardo. Khi dùng hàng rào thuế quan như một công cụ tạo ra cuộc chiến thương mại, các nền kinh tế đều thiệt hại. Tất nhiên, chính trị phức tạp hơn rất nhiều so với kinh tế thuần tuý. Trên phương diện chính trị có thể thắng và thua, nhưng về mặt kinh tế, quốc gia nào cũng bị thiệt hại, ông nhận định.
Đây là lần thứ hai CIEMB được tổ chức bởi Đại học Kinh tế Quốc dân. Hội thảo tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, khoa học và các nhà quản lý trong và ngoài nước trao đổi, công bố các công trình nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm trong lĩnh vực về kinh tế, quản trị và kinh doanh.
Quỳnh Trang