Hơn 4h chiều, con hẻm lọt thỏm giữa dãy phố chuyên bán quần áo thời trang bắt đầu nhộn nhịp. Từ trong hẻm, một chiếc xe đẩy bánh mì thong thả tiến ra. Khay thịt nướng được cho lên dĩa, khói nghi ngút một góc đường, và đã có người đứng chờ sẵn để mua bánh mì. Dù có thâm niên nhiều năm nhưng kể từ khi được tạp chí Mỹ Condé Nast Traveler bầu chọn là một trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, xe hàng có tên bánh mì 37 được biết đến rộng rãi hơn.
Khác các ổ bánh mì Sài Gòn, thay vì hỗn hợp thịt heo, chả lụa hay thịt nguội, bánh mì 37 chỉ có duy nhất phần nhân là thịt nướng. Thịt băm nhuyễn, trộn gia vị rồi ướp với một loại sốt theo công thức gia truyền, vo viên lại rồi bỏ lên vỉ nướng. Trong miếng thịt viên có trộn ít sả, ăn vào giòn, thơm mà không ngấy mỡ. Loại sốt hợp với thịt viên này khi nướng lên dậy mùi, làm cho ai đi ngang cũng phải quay đầu nhìn tò mò. Vì bí quyết đó mà không cần quảng cáo rầm rộ, khách vẫn tự nhiên kéo đến.
Vẫn với các nguyên liệu phụ nhưng vô cùng quan trọng, một ổ bánh mì đầy đủ luôn kèm theo các loại dưa chua, dưa leo, hành ngò, 5 đến 6 viên thịt rồi rưới lên trên đó ít tương ớt. Có cả "Tây" và "Ta" trong cùng một ổ bánh mì với hỗn hợp thịt viên phảng phất nét chế biến của người Pháp, những thứ đồ ăn kèm chua cay ngọt nồng trộn lẫn. Trước khi đến tay khách, bánh mì được nướng sơ trên lò than, để ai cũng muốn ăn liền cho giòn, nóng.
Xe đẩy không tên, không mặt bằng, chỉ được đơn giản gọi bằng "bánh mì thịt nướng 37" này là tài sản được gia đình để lại cho chị Gái đứng bán. Ảnh chụp đường dẫn đến các bài báo viết về quán được dán chi chít trên thân xe. Phụ việc với chị chỉ có khoảng ba người, một phụ bán và hai người chuyên nướng thịt. Một chiều hai xe bánh mì nướng gần 10 dĩa thịt. Từ khi dọn ra đến sập tối dẹp hàng, mọi khâu đều phải luôn tay chuẩn bị và hiếm khi nào ngớt khách.
Giờ cao điểm của bánh mì 37 là khoảng 5h đến 6h tối, khi công chức tan sở, học sinh đi học về và bắt đầu tràn ra phố mua sắm. Không khó để bắt gặp hình ảnh một vài khách Tây, trên tay cầm quyển chỉ dẫn các địa điểm khám phá, kiên nhẫn đứng xếp hàng mua bánh mì. Ngồi sát bên chiếc xe đẩy, lò nướng "dã chiến" với từng dĩa đầy thịt được nướng liên tục mà vẫn không kịp. Chiếc lò nướng bằng than củi này một phần giữ được cho thịt vị thơm và độ chín vừa phải. Thịt nướng tới đâu được đưa lên bán ngay tới đó. Có khi khách đến nhiều, phía trong hẻm, người nhà của chị Gái đã lục đục xếp thêm vỉ để nướng thịt.
Một vị khách trung niên hóm hỉnh tính tuổi thọ của xe bánh mì hè phố này: "Mẹ chồng của tôi hồi còn sống mê bánh mì ở đây. Ngày nào bà cũng đích thân đi từ nhà dưới Cầu Muối ra mua một ổ ăn cho đã thèm. Mà bà mất được mười mấy năm rồi thì biết xe bánh mì cũng lớn tuổi đến cỡ nào".
Cạnh bên, một cặp vợ chồng từ Hà Nội vào công tác lóng ngóng đứng chờ. Người chồng nói: "Chúng tôi thuê xe đi lòng vòng Sài Gòn thăm thú, đi ngang đây thấy đông quá nên ghé vào thử, xin cái ghế con ngồi tại chỗ ăn luôn". Loay hoay một lúc anh lại tiến đến xếp hàng. "Bây giờ phải chen vào mua thêm cặp bánh nữa vì một ổ ăn không đã", anh cười.
Người nước ngoài biết đến xe bánh mì này rất nhiều do truyền tin nhau trên mạng. Được người bạn Kevin của mình giới thiệu, anh Mark Wiens (một blogger chuyên về du lịch và ẩm thực) viết nhận xét trên trang Migrationology.com sau khi thưởng thức qua bánh mì 37: "Loại sốt rưới trong ổ bánh mì này có mùi vị gần như sốt yakitori (một loại sốt của Nhật). Thứ bánh mì kẹp thịt nướng này gần giống như hamburger, tuy nhiên sự kết hợp cùng với các loại rau và nước sốt tạo thành thứ bánh ngon đến phát điên", Mark Wiens viết.
Trên trang hcmc.com của một nhóm những người yêu TP HCM lập nên, anh Anders Palm đến từ Thuỵ Điển kết luận: "Không thể tìm được một loại 'sandwich Việt hoàn hảo' nào rẻ hơn thế ở giữa trung tâm đắt đỏ của thành phố này".
Ngày trước, giá mỗi ổ chỉ khoảng 15.000 đồng đổ lại, hiện nay giá là 17.000 đồng. Người mua phải xếp hàng chờ khoảng 5 phút, cá biệt hơn 30 phút mới có bánh sau khi qua tất cả các khâu.
Bánh mì 37 chỉ là một xe đẩy lề đường nhưng hội tụ được hầu hết đặc trưng của ẩm thực bản xứ. Sài Gòn bây giờ có nhiều loại bánh mì biến tấu theo nhiều kiểu khác nhau, như bánh mì xá xíu, bánh mì phá lấu hay cá viên. Tuy nhiên, biến tấu của bánh mì với miếng thịt nướng, trong đó có sự giao thoa hương vị ẩm thực của người châu Á với một chút mùi vị Âu châu chưa bao giờ làm người yêu Sài Gòn thất vọng.
Huỳnh Duyên