Ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua với xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019. Sức cạnh tranh về giá tăng 13 điểm. Thứ hạng về hàng không tăng 11 điểm so với năm 2017. Riêng tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.
Đó là những con số khả quan được ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa ra trong bài phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra chiều 9/12.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng tại sự kiện.
Tuy vậy, ông thừa nhận nhiều thách thức còn tồn tại như năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp. Trong đó, chỉ số bền vững môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế...
Đó là lý do ông kỳ vọng Diễn đàn sẽ là nơi đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tương lai.
Một trong những sáng kiến được chú ý tại Diễn đàn là thay đổi slogan cho Du lịch Việt. Tại phiên chuyên đề diễn ra trước đó vào buổi sáng, nhiều đại biểu quốc tế từ các hãng thông tấn như CNBC nhận định slogan "Vietnam Timeless Charm" hiện nay chưa đủ sức truyền cảm hứng. Một chuyên gia khác từ Thuỵ Sĩ nhận định trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã có tới 5 lần thay đổi slogan du lịch, trong khi Malaysia dùng một slogan nhất quán "Truly Asia" suốt 3 thập kỷ.
Nhiều chuyên gia tại sự kiện góp ý rằng để có một slogan phù hợp, Việt Nam cần đi sâu phân tích xem du lịch Việt được đại diện bởi những yếu tố nào: ẩm thực, văn hóa, di sản hay năng động, hiện đại. Đồng thời Slogan cũng phải được xây dựng để hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể.

Các chuyên gia, khách mời tại sự kiện.
Làm gì với ngân sách quảng bá du lịch khiêm tốn
Nói về slogan du lịch, nhiều đại biểu tại Diễn đàn cũng đặt ra quan ngại ngân sách quảng bá cho du lịch Việt khiêm tốn với con số 2 triệu USD mỗi năm. Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp tổ chức cho biết sẵn sang tham gia đề xuất mở quỹ 60 tỷ đồng để góp phần quảng bá du lịch Việt.
Ông Ngô Minh Đức - đại diện Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) kiến nghị Chính phủ nhanh chóng có cơ chế để quỹ du lịch hoạt động trong năm 2020, sớm huy động được khoảng chục triệu USD từ các doanh nghiệp mỗi năm. Đáp lại đề xuất này, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của quỹ du lịch.
Trong khi ngân sách còn khó khăn, ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn mà tỉnh đã làm. Theo ông, du lịch tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng kể trong những năm qua. Trong đó, công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn đóng một vai trò đáng kể.

Ông Trần Tiến Dũng.
Với lợi thế về thiên nhiên, hệ thống hang động, rừng tự nhiên, các khu di tích lịch sử, chính quyền địa phương đã khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác xây dựng các chương trình du lịch. Chính quyền chủ động cải thiện cơ chế thủ tục đầu tư trong khi đó tham gia vào việc quản lý bảo tồn để phát triển du lịch bền vững. Ví dụ, các doanh nghiệp khi xây dựng tour du lịch phải tính toán đến sức chứa của khu, hạn chế số lượng vào hang Sơn Đoòng.
Tỉnh cởi mở với những chiến lược quảng bá hiệu quả mới như tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, mời các hãng truyền thông trong nước và quốc tế đến ghi hình, mời người nổi tiếng đến trải nghiệm các tour du lịch, mời các hãng phim đến quay. Nhiều bộ phim, dự án của thế giới như Peterpan, Người bất tử, Mission Impossible đã và sẽ được quay tại Quảng Bình.
Nhờ công tư kết hợp, với ngân sách không cần nhiều, Quảng Bình đã xây dựng được nhiều thương hiệu du lịch hấp dẫn như động Thiên Đường, hang Tú Làn. Có những chương trình du lịch chỉ 10 phút mở bán là hết vé.
Khai thác hỗn hợp sân bay quân sự - dân sự để giải quyết ách tắc hạ tầng
Một vấn đề trọng điểm khác được Diễn đàn Cấp cao du lịch nêu ra là quá tải hạ tầng hàng không. Theo ông Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không, hạ tầng quá tải là đương nhiên vì Việt Nam có 22 sân bay, nhưng tổng công suất mới ngang bằng sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia)...

Ông Lương Hoài Nam.
Hạ tầng hàng không quá tải ảnh hưởng đến ngành du lịch, bởi 80% khách du lịch đến Việt Nam qua đường hàng không.
Để giải quyết vấn đề này, ở góc độ tư nhân, ông Chu Việt Cường - thành viên HĐQT Vietjet đề nghị, cần xã hội hoá mạnh hơn để tư nhân cùng tham gia phát triển, huy động vốn cho hạ tầng. Theo ông, hiện nhiều quốc gia Australia, Anh, Mỹ... cho tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và một số sân bay tại Australia, Thái Lan cho tư nhân quản lý vận hành nên đạt chất lượng rất tốt.
"Chúng ta không nên chỉ 'chăm chăm chờ vốn Nhà nước' trong đầu tư hạ tầng hàng không. Cho phép tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng cơ sở sẽ giúp giải bài toán đầu tư này", ông Cường nhấn mạnh.
Ông Võ Huy Cường – Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra việc kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư là cẩn thiết nhưng chính sách còn khiếm khuyết, chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. "Cần có chính sách đồng bộ nếu muốn gỡ nút thắt hàng không. Hệ thống cảng hàng không sân bay nếu vài năm tới không gỡ được sẽ càng tắc hơn, ảnh hưởng không chỉ ngành hàng không mà cả du lịch", ông Cường nhấn mạnh.
Còn ông Lương Hoài Nam đề xuất một sáng kiến khác để giải quyết ách tắc hàng không là cho khai thác hỗn hợp quân sự - dân sự ở một số sân bay như Biên Hoà, Phan Rang.
Ngoài ra, Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt cũng ghi nhận nhiều đề xuất, sáng kiến khác từ các vị khách quốc tế.
Đại sứ Anh - Gareth Warth đề xuất giải pháp phát triển du lịch Việt Nam bằng trải nghiệm. Với sự đa dạng về tự nhiên, khí hậu, dân tộc, văn hoá, ẩm thực và di tích lịch sử của Việt Nam như, ông cho biết rất nhiều khách du lịch châu Âu cũng muốn khám phá những địa danh nổi tiếng. Một ví dụ về du lịch trải nghiệm khác sẽ hấp dẫn du khách là sự kiện đua xe công thức một sắp tới tại Việt Nam. Đây là cơ hội để thu hút du khách quốc tế tới du lịch và ở lại dài ngày ở Việt Nam.

Đại sứ Anh tham gia đưa ý kiến tại Diễn đàn.
Vấn đề Visa cũng thu hút sự chú ý của nhiều khách mời quốc tế khác. Ong Kenneth Atkinson - Phó chủ tịch TAB nhận định, tuy đứng đầu Đông Nam Á, số lượng khách trở lại Việt Nam tương đối thấp. Tỷ lệ này đối với Thái Lan là 70%. Để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, theo ông, Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh...
Để mang lại lợi ích lớn cho du lịch, các bên liên quan đều phải chung tay để thay đổi và cải thiện. Khi miễn visa cho Anh và các nước châu Âu vào năm 2016, lượng du khách đã tăng thêm 19% và với tổng chi tiêu là 150 triệu USD. Việc ứng dụng công nghệ, cải thiện trang web xin visa điện tử cũng sẽ cải thiện trải nghiệm dịch vụ và góp phần thu hút du khách.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần hai có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Vietjet Air, Tập đoàn Novaland, Vietnam Airlines, BIM Land - Thành viên thuộc tập đoàn BIM Group, Công ty CP địa ốc Phú Long, Công viên ấn tượng Hội An, iVIVU.com, Netnam, Golden Gift Việt Nam.