Kể từ cuối những năm 90, các hãng hàng không trên thế giới đều ra quy định chung về chuyến bay không hút thuốc. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chiếc gạt tàn dường như lại biến quy định này trở nên vô lý.
Trên thực tế, Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã lên danh sách về những trang thiết thị thiết yếu trên máy bay, trong đó bao gồm gạt tàn thuốc lá trong toilet. Lý do phải đưa ra yêu cầu này là một số hành khách vẫn cố tình hút và họ cần có chỗ để gạt tàn cũng như bỏ đầu lọc thuốc. Điều đó sẽ an toàn hơn việc vứt điếu thuốc cháy dở vào thùng rác và gây ra hỏa hoạn trên máy bay.
Ngoài ra, nếu một trong các gạt tàn trên máy bay bị vỡ thì nó cần phải được thay thế trong vòng 10 ngày (với điều kiện một nửa số gạt tàn còn lại vẫn có thể sử dụng, hoặc nếu không chúng phải được thay trong 3 ngày). Năm 2009, một chuyến bay của hãng hàng không British Airways đã phải hoãn lại do nhân viên chưa chuẩn bị đủ số gạt tàn cần thiết. Thời điểm đó, phát ngôn viên của hãng cho biết: “Đây là quy định pháp lý về việc trang bị gạt tàn thuốc lá trên mỗi chuyến bay, phòng trường hợp hành khách hút, họ sẽ có nơi để dập thuốc an toàn”.
Tai nạn máy bay thảm khốc năm 1973 là ví dụ điển hình cho sự nguy hiểm của việc không có gạt tàn. 123 hành khách đã thiệt mạng trên chuyến bay Varig 820 từ Rio de Janeiro (Brazil) tới Paris (Pháp), do một đám cháy bùng lên từ điếu thuốc ném vào thùng rác nhà vệ sinh. Khoang máy bay đầy khói và phi công buộc phải hạ cánh khẩn cấp trên một cánh đồng cách thủ đô nước Pháp 15 km về phía nam.
Năm 2004, một doanh nhân Đức đã kêu gọi các nguồn đầu tư cho Smintair, một hãng hàng không quốc tế dành cho người hút thuốc lá. Ông dự kiến sẽ thuê hai máy bay Boeing 747 cho Smintair, thực hiện các chuyến bay từ Duesseldorf tới Tokyo và ngược lại. Tuy nhiên dự án đã thất bại vào phút chót do không kêu gọi được đủ vốn từ ngân hàng.
Xem thêm: Vì sao không được để điện thoại rơi xuống sàn máy bay