Theo một cuộc khảo sát năm 2014 của Hiệp hội bảo vệ Vạn Lý Trường Thành, chỉ còn 8,2% công trình đang ở điều kiện ổn định và 74,1% bị xếp vào hạng bảo tồn kém.
Ông Dong Yaohui, chủ tịch hiệp hội phát biểu với CNN: "Vạn Lý Trường Thành là một công trình di sản lớn với hơn 20.000 km chiều dài vì thế việc tăng cường bảo tồn và phục hồi gặp nhiều khó khăn. Dựa vào sức người ở các địa phương cũng không đủ để bảo vệ di sản này".
Vạn Lý Trường Thành gồm nhiều đoạn trải dài ở nhiều tỉnh của Trung Quốc, trong đó riêng phần xây từ thời nhà Minh (1368-1644) dài khoảng 8.000 km. Các đoạn bị biến mất nói trên thuộc phần xây từ thời này.
Một làn sóng du khách mới đây đổ về chiêm ngưỡng các phần chưa được khai thác của Vạn Lý Trường Thành cũng dẫn tới gia tăng mức hư hỏng của công trình. Các hoạt động như trộm cướp, vẽ tranh tường graffiti cũng là tác nhân ảnh hưởng xấu. Ông Dong cho biết thêm: "Người dân địa phương còn lấy đi các viên gạch có hình chạm trổ từ Vạn Lý Trường Thành".
Mức độ bị phá hủy ngày càng nghiêm trọng và rất cần sự quan tâm của tất cả mọi người. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn và chưa thực hiện đủ biện pháp để bảo vệ phần còn lại của công trình.
Mei Jingtian, một tình nguyện viên làm 30 năm ở Hiệp hội bảo vệ Vạn Lý Trường Thành, chia sẻ: "Rất đáng tiếc khi phải chứng kiến kỳ quan lịch sử này lâm vào tình trạng bị phá hủy như hiện nay".
Phát biểu về các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, ông Dong cho hay, chính quyền địa phương sẽ cung cấp chương trình giáo dục và tiền trợ cấp để khuyến khích người dân cùng tham gia bảo vệ kỳ quan này. Ngoài ra, các mức phạt cho hành vi phá hoại cũng phải tăng lên.
Vài tuần trước đó, một phần Vạn Lý Trường Thành ở Ninh Hạ bị người dân san phẳng để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, những người đó chỉ bị cảnh cáo chứ không có bất kỳ hình phạt khắt khe nào.
Hương Chi