Tháp Eiffel còn được gọi với cái tên trìu mến là Iron Lady (Quý bà Sắt), biểu tượng nguy nga sừng sững và niềm tự hào hơn 100 năm qua của người Pháp. Nhiều người không ngừng săn tìm các bí ẩn liên quan đến tòa tháp nhìn bề ngoài tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra lại có cấu trúc vô cùng phức tạp và tinh tế ấy.
Năm 1890, một năm sau khi tháp Eiffel hoàn tất quá trình xây dựng, người thiết kế ra nó, kiến trúc sư Gustave Eiffel trở thành “trung tâm của sự ghen tị”. Mọi người đều ghen tị với Gustave bởi ông đã tạo ra một bản thiết kế tuyệt vời, bởi giá trị khổng lồ của tòa tháp và bởi một bí mật không nhiều người biết. Gustave đã lắp đặt một tư gia ngay trên đỉnh của công trình cao đến hơn 300 mét ấy, và chỉ mình ông có thể ra vào đó.
Không giống như phần còn lại của tòa tháp, không hề áp dụng bất kỳ công nghệ hiện đại hay cấu trúc sắt thép kiên cố nào, tư gia đó thực chất chỉ là một phòng nhỏ như bao căn phòng bình thường của giới tiểu tư sản thời bấy giờ. Nó được trang bị theo phong cách đơn giản và thân thiện với các nhà khoa học: Tủ và bàn ghế bằng gỗ khiêm nhường cùng giấy dán tường giản dị. Căn phòng thiết kế kiểu đó rất phổ biến, nhưng vô số người vẫn ao ước được đặt chân đến đó. Gustave đã nhận được vô vàn thư năn nỉ ông cho thuê căn phòng với giá bằng cả gia tài, nhưng tất cả đều bị từ chối.
Tại sao nơi trú ẩn trên đỉnh Eiffel lại hấp dẫn đến vậy? Người ta cho rằng, chỉ có một nơi trú ngụ như vậy mới có thể thỏa mãn được những nhà khoa học như Gustave Eiffel. Nó có thể là một cách hữu hiệu để xa rời tiếng ồn và những người khác. Từ nơi đây, ban ngày có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của Paris, và ban đêm ông lại được hòa mình vào thiên nhiên với gió, mây và trăng sao. Như vậy chẳng khác gì một cuộc sống chốn thiên đường.
Lại có nhiều người cho rằng, Gustave như cố tình muốn tạo nên sự đối chọi mạnh mẽ khi đặt một căn phòng thiết kế theo lối truyền thống trên đỉnh một tòa tháp với kiến trúc áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại.
Căn phòng giản dị ấy còn khiến bao người thêm phần ghen tị vì nhiều nhà khoa học nổi tiếng từng ghé thăm nơi này. Nhà phát minh vĩ đại người Mỹ Thomas Edison đã nhiều lần tới đây dự tiệc hoặc bàn luận cùng Eiffel về những phát minh mới của mình. Có lúc, Edison khiêu vũ cùng nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp Charles Gounod trong tiếng dương cầm du dương cho đến tận khuya...
Chính những điều độc nhất vô nhị ấy đã kích thích rất nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng tháp Eiffel tráng lệ, không ít người sẵn lòng trả mọi giá để được ghé thăm tư gia trên không của Gustave Eiffel.
Thảo Nguyên (Theo smhtravel.com)