Ý tưởng về sân bay mới trên một hòn đảo nhân tạo dài 4.000 m và rộng hơn 1.200 m ra đời từ thập niên 80. Dự án chính thức khởi công vào năm 1987. Vị trí để xây đảo cách bờ khoảng 5 km. Song vấn đề khiến các kỹ sư đau đầu không phải những thông số trên, mà là lớp đất sét bồi tích bất ổn định dưới đáy biển và vật liệu nhẹ nhưng vẫn đủ chắc chắn để chống chọi với những trận bão hay động đất tại khu vực này.
Đội ngũ kỹ sư khởi công dự án bằng cách đào 1,2 triệu giếng cát xuống lớp bồi tích, nhằm ổn định đáy biển cho đủ vững chãi để nâng đỡ hòn đảo nhân tạo. Tiếp đó, một bức tường bê tông dài 11 km được hoàn thành trong vòng 3 năm, bao quanh khoảng đất xây sân bay như thành của bể bơi, ngăn nước biển tràn vào. 48.000 khối bê tông - mỗi khối nặng 200 tấn, được xếp xuống nền móng. 180 triệu mét khối đất lấy từ ba ngọn núi, được đổ đầy vào khoảng trống bên trong bức tường cao tới 30 m.
Không chỉ phải xây dựng một hòn đảo, đội ngũ kỹ sư còn tạo nên một sân bay ấn tượng hơn. Kiến trúc sư Italy Renzo Piano đệ trình một bản thiết kế chiều lòng cả những công nhân xây dựng lẫn hành khách tương lai. Ông thiết kế nhà ga sân bay dài 1,6 km hình cánh máy bay, với vật liệu chính là thép và kính cường lực. Để giảm thiểu tác động tới môi trường và tiết kiệm chi phí sưởi hay làm mát, một hệ thống điều hòa không khí thụ động được thiết kế riêng cho nhà ga. Hệ thống điều khí đi qua nhà ga rộng 300.000 mét vuông, duy trì nhiệt độ dễ chịu trong khoảng 20 - 26 độ C.
Thách thức tiếp theo của các kỹ sư là kết nối sân bay với đất liền. Giải pháp tối ưu chính là xây dựng một cây cầu vượt biển, không quá cao gây cản trở máy bay khởi hành hoặc hạ cánh, và không quá thấp để xây vừa đủ hai tầng. Tầng trên là con đường 6 làn cho ôtô, còn tầng dưới vừa đủ cho hai đường tàu chạy. Công trình này được đặt tên là Sky Gate Bridge R.
Cuối cùng, với một triệu công nhân lao động trong tổng cộng 10 triệu giờ, dùng 200 triệu tấn nguyên vật liệu, sân bay Kansai mở cửa sau 6 năm xây dựng.
Kể từ năm 1994, nơi đây là một trong những cảng hàng không bận rộn nhất của Nhật Bản, phục vụ hơn 300.000 lượt khách một tuần, đón 55.000 máy bay một năm. Nó trở thành một trong những kiến trúc kỳ vĩ nhất thế kỷ 20, được so sánh với những siêu công trình như đập Hoover (Mỹ) hay kênh đào Panama. Cách bờ khoảng 5 km, sân bay Kansai như một hình chữ nhật khổng lồ nổi giữa vịnh Osaka.
"Khi tới gần sân bay, ban đầu tôi nghĩ giống hạ cánh xuống một tàu sân bay hoặc thứ gì đó tương tự. Nhưng thực tế không phải vậy", một phi công nói. Jim Skusa, cơ trưởng hãng JALways, cho biết: "Tầm nhìn vào ban đêm rất hạn chế, do không có nhiều ánh sáng xung quanh sân bay. Thế nên họ gọi nó là sân bay Hố Đen". "Mặt biển trông gần đến mức bạn sẽ có cảm giác như đang lặn xuống đó vậy, khá đáng sợ", một hành khách cho hay.
Tuy nhiên, khi danh tiếng của sân bay Kansai vang khắp thế giới, những lời đồn thổi cũng lan truyền rằng nó đang chìm dần cùng hòn đảo. Vào năm 1999, đúng dịp sinh nhật lần thứ 5 của sân bay này, ước tính hòn đảo đã chìm khoảng 8 m, khiến nhiều người hoài nghi về độ bền của nó, dù thời hạn khai thác kéo dài tới 40 năm. Sau đó, đội ngũ kỹ sư tin rằng họ đã tìm ra giải pháp, dùng kỹ thuật mới để giảm tốc độ chìm của sân bay và không ngừng cải thiện cơ sở vật chất.
Năm 2007, một đảo nhân tạo thứ hai đi vào hoạt động để giảm tác động của máy bay lên đường băng và nhà ga số 1. Đảo nhân tạo này có đường băng dài 4.000 m và nhà ga số 2. Tổng chi phí xây dựng sân bay hết khoảng 20 tỷ USD, bao gồm phí cải tạo đất, hai đường băng, hai nhà ga và cơ sở vật chất.
Bên cạnh những thành tựu đáng ngưỡng mộ về kiến trúc và kỹ thuật, sân bay Kansai còn có những tác động tích cực đến môi trường. Nơi này là một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất tại châu Á. Bên cạnh đó, sân bay còn sử dụng các phương tiện chạy bằng khí hydro, áp dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải.
Nó vẫn đứng vững sau nhiều thiên tai như trận động đất Kobe năm 1995 có tâm chấn cách đó 20 km hay hồi phục nhanh chóng sau khi bị ngập lụt nghiêm trọng do bão Jebi đổ bộ năm 2018. Kinh nghiệm rút ra từ quá trình xây dựng công trình này được Nhật Bản áp dụng xây thêm 3 sân bay trên đảo nhân tạo khác: sân bay New Kitakyushu, sân bay Kobe, và sân bay quốc tế Chūbu Centrair.
Hiện hành khách đến sân bay Kansai có thể thuê xe buýt cho các tour tham quan, giá 12.300 - 15.400 yên (hơn 2,6 - 3,3 triệu đồng) một xe cho một đoàn, vé từ 500 yen (gần 110.000 đồng) mỗi người.
Lịch trình kéo dài 60 phút sẽ đưa du khách vào khu vực kiểm tra an ninh nghiêm ngặt thường cấm người ngoài vào, quan sát quá trình chuẩn bị đồ ăn và nhiều khâu vận hành khác của sân bay. Bên cạnh đó là tour khám phá chi tiết quá trình chuẩn bị đồ ăn trên máy bay kéo dài 150 phút, gồm thời gian ăn trưa. Tour bắt đầu từ 11h và 11h30 các ngày thứ 4. Ngoài ra, du khách có thể chọn chương trình tham quan bảo tàng sân bay kéo dài 30 - 60 phút.
Phạm Huyền (Theo National Geographic)