Sau hơn 5 năm theo đuổi sự nghiệp luật sư ở New York (Mỹ), Jodi Ettenberg quyết định soạn hành lý lên đường tìm hiểu ẩm thực thế giới trong vòng một năm. Tuy nhiên, chuyến đi của Jodi đã kéo dài tới hơn 6 năm tiếp theo đến những miền đất xa xôi hơn. Đến Việt Nam từ cuối 2012, Jodi đã hoàn toàn xiêu lòng với vẻ đẹp gần gũi của Sài Gòn.
Nghỉ chân tại căn hộ nằm lọt giữa trung tâm Sài Gòn, sâu trong một con hẻm nhỏ, Jodi hơi bất ngờ vì không gian sống vô cùng yên tĩnh, thậm chí cô có thể nghe thấy tiếng chim hót vào sớm mai.
Ấn tượng đầu tiên Jodi muốn chia sẻ chính là ẩm thực. Từ lâu, cô đã thích đồ ăn Việt và tìm hiểu rất kỹ trên mạng trước khi đặt chân đến đây. Đồ ăn Việt Nam từ Bắc vào Nam có những hương vị và đặc trưng riêng. Jodi bắt đầu hành trình khám phá ẩm thực bằng một tô phở Sài Gòn. Mục tiêu của cô là thử một món mới mỗi ngày.
Đường phố Sài Gòn có nhiều cửa hàng ăn uống nhỏ, nhiều nơi thậm chí còn bán trong hẻm nhỏ. Con hẻm ngay cạnh nơi Jodi sống có một cửa hàng “bia và ốc”, nơi thực khách chọn lựa loại hải sản mình muốn để chủ hàng chế biến. Cuối hẻm có một tiệm cơm nhỏ phục vụ vào buổi trưa. Thực khách được đưa một đĩa cơm trắng, tùy chọn thêm các loại rau và thịt từ thịt lợn rán giòn đến thịt kho, cá kho và trứng om. Một phần cơm chỉ có giá khoảng hơn 1 USD và du khách có thể thoải mái lựa chọn món mới mỗi ngày. Những món Jodi đã thử đều ngon tuyệt, và nhiều khi người ta phục vụ thêm một đĩa rau sống. Chưa có bữa ăn nào Jodi phải tiêu tốn quá 3 USD, phần lớn chỉ từ 1 đến 2 USD.
Ngoài ẩm thực, Jodi cũng cảm thấy thích thú với con người và cảnh quan Sài Gòn. Sau 3 năm gắn bó với Đông Nam Á, Jodi cảm thấy rất vui khi phải tự kiểm định xem điều gì là “bình thường” và tự trấn an bản thân rằng mọi việc sẽ xảy ra như cách mình mong muốn. Giả dụ như hình ảnh những cây cột điện chằng chịt dây, điện thoại được trang trí thủ công của người dân địa phương hay những trái dừa nước "cứu cánh" cho Jodi mỗi ngày oi ả.
Bên cạnh đó, Jodi cũng gặp nhiều điều thú vị khác dù ban đầu sẽ khó quen như việc được vẫy tay gọi. Trong thời gian ở Thái Lan, Jodi chưa từng gặp người lái xe máy nào vẫy mời cô đi xe. Ở Chiang Mai hay Bangkok, người dân thường lờ khách du lịch đi, mặc dù họ rất thân thiện nhưng chỉ cười khi nói chuyện. Người Sài Gòn luôn chào đón Jodi không chỉ với ánh nhìn, cái vẫy tay mà thậm chí là cả bắt tay. Jodi cũng nhận được nhiều lời trầm trồ khi cô là khách nước ngoài nhưng vóc dáng lại nhỏ như người Việt.
Hay những người lái xe ôm ở Sài Gòn không mặc vest như tài xế Thái Lan, nhưng họ luôn đưa cho khách mũ bảo hiểm. Những người xe ôm nằm dài trên yên xe, đợi khách giữa dòng người qua lại. Khung cảnh đó với Jodi hết sức thanh bình.
Công viên của Sài Gòn luôn đông vui, đặc biệt là sau giờ tan tầm. Từ chiều muộn cho tới 22h, người người kéo nhau ra những bãi cỏ xanh ăn uống, trò chuyện với bạn bè. Gia đình đưa cả trẻ em tới, học sinh tụ tập thành nhóm, ai ai cũng vui vẻ giữa không gian xanh mát của thành phố.
Ảnh: Những món ăn Jodi đã thử tại Sài Gòn
Một điều nữa khiến Jodi lưu ý là thái độ tò mò của mọi người khi thấy cô cầm đũa bằng tay trái. Cô đã lấy bút ra và viết bằng tay trái cho mọi người thấy, nhưng dường như điều đó càng gây khó hiểu hơn. Trong thời gian dừng chân tại Malaysia hay Indonesia, Jodi chưa từng bắt gặp những phản ứng tương tự từ người dân bản xứ.
Bạn bè đã cảnh báo trước về tình trạng giao thông ở Sài Gòn song Jodi vẫn không khỏi ngạc nhiên trước cảnh hỗn độn của các loại phương tiện trên đường, còi xe inh ỏi suốt ngày dài. Cô vẫn không hiểu bằng cách nào người dân có thể lách qua những nút giao thông hỗn loạn mà vẫn an toàn.
Jodi thấy may mắn vì đã chọn Việt Nam trong hành trình của mình. Cô sẽ ở lại Sài Gòn lâu hơn cùng hai người bạn cô gặp ở Chiang Mai là James và Will. Jodi cũng gặp gỡ một vài cây bút và những du khách khác trong thời gian cô nghỉ lại đây, với mong muốn biết thêm thật nhiều điều về đất nước này qua những câu chuyện họ kể.
Xem thêm: 20 điều khiến bạn thêm yêu Sài Gòn
Phạm Huyền