Cứ 26 tháng Chạp hàng năm, phiên chợ độc đáo ở làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lại được mở.
Từ nửa đêm đã có rất nhiều người lục đục đẩy xe ba gác, xe thồ… mang hàng ra bày chờ buổi chợ chính thức bắt đầu vào hôm sau. Mặt trời ló rạng, hàng ngàn người dân làng Thiều và các vùng lân cận đổ về kín sân chùa, dọc các triền đê và các con ngõ nhỏ quanh co.
Phiên chợ được tổ chức ở khu đất trống dưới sân chùa Thiều và ven các triền đê sông Lèn. Hàng hóa chính là nông sản địa phương như quả bầu, quả bí, mấy củ khoai lang, trái bưởi cùng những món hàng đặc trưng ngày tết như lá dong, sợi giang, thịt cá, hoa tươi…
Dưới bụi mưa xuân lất phất, tiếng cười nói rôm rả, tiếng bước chân nhộn nhịp ở ngôi làng cổ bên chân núi.
Chợ Thiều bắt đầu họp từ lúc 5 giờ sáng cho đến chiều tối ngày 26 tháng Chạp âm lịch hàng năm, nhưng từ lúc 12 giờ đêm của ngày hôm trước đã bắt đầu có người đến chợ để mua bán. Chợ đông người nhất vào khoảng giữa buổi cùng ngày.
Người dân làng Thiều còn lưu truyền câu ca: “Bỏ con, bỏ cháu chứ không thể bỏ 26 chợ Thiều”. Ông Trương Ngọc Toán, một người cao niên trong làng Thiều cho biết, chợ Thiều họp vào 26 tháng Chạp hàng năm là để người dân đến cầu may cho năm mới đang cận kề. “Hàm ý câu ca, “Bỏ con bỏ cháu chứ không bỏ 26 chợ Thiều” là để nhắc nhớ con cháu thế hệ mai sau lưu giữ nét truyền thống của ông cha. Chợ Thiều không chỉ người sống mua may bán rủi mà còn có cả phần tâm linh dành cho những người đã khuất. Dù bỏ con bỏ cháu đi về bên kia thế giới nhưng vẫn không bỏ chợ Thiều”, cụ ông chia sẻ.
Các cụ cao niên làng Thiều kể lại, ông Lê Phúc Đồng, một vị tướng có tài thao lược dưới thời Lê, khi đem quân đánh giặc trên sông Lèn (một nhánh của sông Mã), đến khúc sông bên chân núi Thiều thì thuyền mắc cạn không thể xuôi dòng. Vị tướng liền lệnh cho ba quân nghỉ ngơi thổi cơm trưa chờ con nước lớn.
Khi lên bờ nghỉ chân, tướng quân bắt gặp một cái miếu thờ nhỏ bên chân núi do trẻ mục đồng của làng Thiều dựng lên, ông thắp nén nhang khẩn cầu thần linh xin cho chuyến hành quân được thuận buồm xuôi gió. Nén nhang vừa tàn, tướng quân Lê Phúc Đồng nhìn về phía dòng sông thì vô cùng ngạc nhiên thấy đoàn thuyền mắc cạn đã có thể xuôi dòng. Ông vội cáo từ dân làng rồi hô quân tiến thẳng về cửa Thần Phù đánh giặc.
Thắng giặc trở về, tướng quân Lê Phúc Đồng quay lại làng Thiều mở tiệc khoản đãi dân làng. Kể từ đó, hằng năm người dân lại mở hội, họp chợ để tưởng nhớ tích truyện và truyền thống ấy được giữ nguyên đến ngày nay.
Cũng theo ông Toán, người dân ai đến chợ cũng đều mua một thứ hàng quà gì đó để về thắp nhang, làm quà cho ông bà, tổ tiên đã khuất. Sau khi kết thúc buổi chợ, ai ai cũng ghé ngôi chùa cổ ven đê thắp nén nhang cầu xin điều may mắn cho năm mới. “Chợ họp với mục đích chính là để cầu may chứ không mang nhiều yếu tố thương mại nên có rất đông người đến tham dự. Dù bán hay mua cũng đều là để cầu an, cầu lộc, cầu tài”, ông Toán nói.
Trưởng làng Thiều Xá Nguyễn Tiến Năng cho biết, đến chợ Thiều không chỉ có người dân xứ Thanh mà còn có nhiều nơi khác như Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định… “Xưa chợ Thiều được họp ở ngay sát bờ sông để thuận tiện giao thông đường thủy với kiểu buôn bán trên bến dưới thuyền. Nay làng thống nhất họp lui vào trong sân chùa theo nguyện vọng người dân. Trên là chùa dưới là chợ để lưu giữ nét hồn quê”, ông Năng cho hay.
Người làng Thiều đi làm ăn xa đều cố về quê vào dịp này nếu không họ tự tổ chức, gặp gỡ chúc tụng nhau và cùng ôn lại truyền thống của làng.
“Dân làng Thiều chúng tôi coi ngày họp chợ này như dấu tích lịch sử từ thuở lập làng. Con cháu dù tha phương cầu thực nơi đâu cũng tìm về đúng dịp vui buổi chợ. Nếu ai không về được thì lại tự mở tiệc ăn mừng như đang hiện diện ở quê nhà”, cụ bà Lê Thị Suốt (80 tuổi) chia sẻ.
Ảnh: Nét chợ quê ngày Tết |
Lê Hoàng