Hong Kong là một trong những đặc khu hành chính của Trung Quốc, có nhiều khác biệt về văn hóa và xã hội so với đại lục, mà du khách trước khi đến cần biết.
Tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại
Tiếng Trung Quốc phổ thông là Quan Thoại. Dựa trên phương ngữ Bắc Kinh, tiếng Quan Thoại trở thành quốc ngữ vào năm 1955, và được sử dụng trong toàn bộ trường học ở đại lục. Trong khi đó, ngôn ngữ chính thức của Hong Kong còn có tiếng Anh và tiếng Quảng Đông. Cùng một bảng chữ cái nhưng những người nói tiếng Quảng Đông và những người nói tiếng phổ thông không hiểu được nhau.
Bảng chữ cái
Người Trung Quốc đại lục viết chữ Hán giản thể, trong khi người Hong Kong dùng bảng chữ Hán phồn thể (chữ Hán truyền thống). Chữ Hán giản thể là một cải tiến ra đời vào những năm 1950, với mục tiêu xóa mùa chữ. Bảng chữ này dựa trên chữ Hán truyền thống, song tinh giản bớt nét để người học dễ ghi nhớ hơn.
Nếu muốn dùng những ứng dụng dịch ngôn ngữ như Google Translate hỗ trợ trong chuyến du lịch Trung Quốc, du khách nên lưu ý chọn bảng chữ Hán giản thể hoặc phồn thể phù hợp với điểm đến.
Tiếng Anh
Những du khách nói tiếng Anh có thể dễ dàng dạo chơi ở Hong Kong. Mọi biển chỉ đường, văn bản chính thức, dịch vụ hành chính, cũng như menu trong phần lớn nhà hàng, website đều dùng song ngữ. Ngay tại những trường học địa phương đều duy trì hệ thống chỉ dẫn bằng tiếng Anh.
Trái lại, khách nước ngoài sẽ phải mất khá nhiều công sức để tìm một người có thể nói tiếng Anh trôi chảy tại Trung Quốc đại lục khi giao tiếp thường ngày. Nếu muốn ở lại đây lâu hơn một kỳ nghỉ ngắn ngày, người nước ngoài thực sự nên học vài từ tiếng phổ thông cơ bản.
Internet
Weibo và WeChat là những mạng xã hội không thể thiếu của người dân Trung Quốc, với hệ thống Internet khác biệt. Nhờ "Vạn lý trường thành trên mạng" (Great Firewall), Google và Facebook bị chặn hoàn toàn. Do đó du khách muốn truy cập những ứng dụng này phải sử dụng mạng ảo riêng (VPN), nhưng hệ thống này cũng đang bị cấm.
Người dùng mạng tại Hong Kong có thể truy cập Internet dễ dàng mà không cần tới VPN. Facebook, Gmail hay Instagram và Snapchat cũng được sử dụng rộng rãi.
Giao thông
Người dân Hong Kong lái xe bên trái đường, theo hệ thống giao thông thừa hưởng từ Anh. Trong khi tại Trung Quốc, người dân lái xe bên phải. Nhưng du khách không nên cố gắng tự lái xe tại Trung Quốc, do các quy tắc khác biệt với giao thông trên thế giới.
Visa
Muốn đến Hong Kong, bạn phải xin visa Hong Kong, thay vì visa Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm nộp hồ sơ vẫn là Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc. Lệ phí visa Hong Kong là 55 USD mỗi người, có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp, lưu trú tối đa 7 ngày.
Đối với công dân Việt Nam, visa nhập cảnh Trung Quốc một lần giá 60 USD; visa nhập cảnh hai lần giá 90 USD; visa nhập cảnh nhiều lần trong 6 tháng giá 120 USD; visa nhập cảnh nhiều lần trong 12 tháng giá 180 USD.
Tiền tệ
Người dân xứ Hương Cảng dùng đồng đôla Hong Kong (HKD), trong khi nhân dân tệ (CNY) là tiền tệ lưu hành tại Trung Quốc đại lục. HKD lấy tỷ giá theo đôla Mỹ (USD), trong khi Nhân dân tệ thì không. Do đó, nếu di chuyển giữa hai điểm đến này, du khách cần chuẩn bị tiền mặt riêng.
Bảo Ngọc (Theo Culture Trip)