Hàng nghìn du khách đã nói về những khoảnh khắc khiến họ suýt khóc hay tình huống dở khóc dở cười, rợn tóc gáy mà họ từng gặp khi đi du lịch trên mạng hỏi đáp Quora.
Du khách người Mỹ Daniel Ndukwu từng có dịp đến Nigeria và vẫn rùng mình mỗi khi nhớ lại thói quen sang đường của người dân nơi đây. Họ sẽ xô đẩy bạn vào bên kia đường khi họ đi qua. Tài xế ôtô cũng phải nhường đường họ, dù có đang đi với vận tốc 100 km/h vì nếu chẳng may đâm vào một người đi bộ, những người khác sẽ lao vào đánh bạn mà không cần lý do.
Còn với Oman Hedvat, một du khách từng đến Nhật Bản thừa nhận ông đã rơi vào tình huống xấu hổ khi bước vào toa xe dành riêng cho phụ nữ trên một phương tiện giao thông công cộng. Mọi người đều cau có và khó chịu khi nhìn thấy Oman. Khi nhận ra sự nhầm lẫn của mình, Oman chỉ còn biết kêu trời vì đã quá muộn để xuống xe.
Nữ du khách Mỹ Lila Adamson lại gặp tình huống khó xử khác vì văn hóa Dogeza (thể hiện sự xin lỗi sâu sắc) khi tới Nhật Bản. "Khi chúng tôi ăn xong, một người bồi bàn đi ra, quỳ trên sàn nhà và cúi đầu xin lỗi. Anh ta nói mong được chúng tôi tha thứ khi nói rằng nhà hàng rất đông khách, và vì chúng tôi đã ăn xong nên có thể đứng lên nhường chỗ cho người khác được không". Lila cho biết cô không thấy mình bị xúc phạm, mà cảm thấy có lỗi hơn vì mình đã ngồi lâu và chiếm chỗ của người khác.
Jacek Karaszewsk khi tới Canada đã rất bối rối vì hành động lịch sự quá mức của lái xe tại đất nước này. Tất cả phương tiện giao thông sẽ nhường đường cho bạn khi bạn muốn băng sang đường hay chỉ có biểu hiện muốn sang, dù lúc đó là đèn xanh, đỏ hay vàng.
Paul Farr từng nghe nói về việc "khái niệm thời gian không tồn tại ở Tây Ban Nha". Nhưng khi trải nghiệm điều đó, Paul vẫn không khỏi sốc. "Nếu bạn hẹn ai 18h, mà 18h20 mới đến, bạn sẽ phải xin lỗi và làm hành động chuộc lỗi. Nhưng tại Tây Ban Nha, 18h55 vẫn chưa thấy bạn đâu và không ai cảm thấy buồn phiền vì sự chậm trễ này".
Không chỉ trong việc hẹn hò, mà thời gian mở cửa của các nhà hàng cũng không hề chính xác. Nó chỉ mang tính chất gợi ý và nếu họ mở cửa muộn hơn cũng không phải là vấn đề.
Swister Yong khi đến Bhutan đã rất ngạc nhiên khi thấy người dân nơi đây vẽ hình dương vật lớn trên tường nhà, trước cửa ra vào để làm bùa hộ mệnh và làm hình trang trí. "Tôi đã rất choáng váng vì nghĩ rằng Bhutan là một xã hội bảo thủ", Yong cho biết.
Rất nhiều du khách khi đến Mỹ đã ngạc nhiên vì người dân nơi đây rất cởi mở. Như việc vô tình nói chuyện trên xe bus hay tàu điện ngầm, người dân đã nói cho họ biết những câu chuyện riêng tư như bố vừa mất vì ung thư hay cha mẹ vừa ly dị.