Hàng năm, thị trấn Verona ở Italia, nơi bắt đầu câu chuyện tình Romeo và Juliet của đại văn hào Shakespeare, lại nhận được hàng nghìn lá thư. Tất cả đều gửi đến một người duy nhất: nàng Juliet. Nội dung những bức thư này thường là kể về câu chuyện tình yêu của người viết.
Truyền thống viết thư gửi Juliet ở Verona đã có từ hàng thế kỷ trước. Nó bắt đầu khi những người ghé thăm di tích được cho là hâm mộ Juliet và để lại mảnh giấy nhắn. Dần dần, nhiều người chưa có cơ hội được đặt chân tới đây cũng bắt đầu gửi thư trực tiếp tới thị trấn từ khắp nơi trên thế giới.
Ban đầu, không ai biết phải làm gì với những bức thư này nhưng sau đó, ông Ettore Solimani, người canh giữ hầm mộ Juliet quyết định thu nhặt, trả lời từng bức mỗi khi có thời gian rảnh rỗi và dùng chính tiền của mình để gửi chúng đi.
Vào những năm 1990, do số lượng thư nhận được quá nhiều, chính quyền thị trấn Verona quyết định mở một văn phòng chuyên phụ trách công việc nhận và trả lời những bức thư này. Văn phòng có tên là câu lạc bộ Juliet (Club di Giulietta). Hàng năm, số lượng thư gửi tới đây khoảng hơn 6.000 bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tất cả đều được dịch và trả lời bằng tay.
Câu lạc bộ Juliet ban đầu nằm trong một tòa nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố, sau đó chuyển tới trụ sở mới ở trung tâm Verona, cách nhà của Juliet chỉ 5 phút đi bộ vào năm 2015. Nó nằm khuất ở tầng trệt trong sân sau của một ngôi nhà. Khi tới tham quan nơi đây, bạn có thể bỏ qua nếu không chú ý.
Những bức thư mới được phân chia theo ngôn ngữ và sắp xếp ngay ngắn trên giá gỗ. Cạnh đó là một chiếc bàn lớn, nơi các nhân viên dành thời gian để đọc và trả lời thư. Có lá thư kể về câu chuyện tình yêu đẹp và lãng mạn, nhưng số khác lại khiến người ta phải đau lòng. Mỗi khi gặp trường hợp khó, mọi người sẽ cùng thảo luận với nhau để đưa ra lời khuyên tốt nhất. Ngoài ra, bàn làm việc chung cũng trở thành quầy lễ tân và cung cấp thông tin mỗi khi có du khách ghé thăm câu lạc bộ.
Câu lạc bộ Juliet được duy trì bởi một nhóm nhỏ khoảng 15 tình nguyện viên. Những thành viên này tự gọi mình là "thư ký của Juliet". Họ có thể đọc thư gửi tới bằng rất nhiều ngôn ngữ như Italy, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản...
Nhân viên ở đây làm nhiều nghề khác nhau. Họ có thể là sinh viên trẻ, người đã ly hôn, người làm bánh, thậm chí là nhà kinh tế học hoặc một vũ công ba lê. Tuy nhiên, ở họ đều có một điểm chung là mặc dù không được trả lương nhưng tất cả đều làm việc một cách rất chăm chỉ và nghiêm túc.
Cũng giống như phần lớn mọi người, Nam, một blogger ở Hong Kong biết đến Club di Giulietta lần đầu tiên khi xem bộ phim "Những bức thư gửi nàng Juliet". Tình cờ, khi đang nghiên cứu trang web của câu lạc bộ, Nam đọc được bài đăng tuyển tình nguyện viên. Cô cảm thấy rất hào hứng và đã quyết định nộp đơn ứng tuyển cho vị trí này. Không lâu sau đó, Nam đã nhận được email trả lời từ Giovana, người phụ trách chính của Club di Giulietta.
Nam cho biết, lịch trình làm việc ở câu lạc bộ khá thoải mái. Các tình nguyện viên có thể đến và về bất cứ khi nào họ muốn. Dù vậy, mọi người thường cố gắng ở lại đến hết giờ mở cửa để có thể trả lời được nhiều hơn những bức thư được gửi tới mỗi ngày.
Trong suốt một tháng làm việc tại Club di Giulietta, có những lúc Nam cùng những tình nguyện viên khác bắt gặp những câu chuyện thực sự đau lòng. Tuy nhiên, càng chứng kiến nhiều sự cô đơn, họ lại càng cảm thấy gần gũi hơn với những người bên cạnh và trân trọng hơn tình cảm của người khác dành cho mình.