-
08h15
Phiên thứ hai thảo luận về các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững
Diễn biến phiên thảo luận thứ nhất chiều 5/12 Sáng nay (6/12), phiên thứ hai của Diễn đàn Du lịch sẽ thảo luận về các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững tới năm 2030 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phiên toàn thể cũng diễn ra nhiều lễ ký kết đầu tư giá trị lớn như: Lễ ký kết giữa công ty TNHH Phát triển Nam Hội An và Tập đoàn Khách sạn Rosewood; công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và Hãng hàng không AirAsia; Wendy Wu Tours và Victoria Cruise; tập đoàn Novaland và Minor... với tổng trị giá các ký kết, hợp tác lên tới 2 tỷ USD.
Phần thảo luận có sự tham gia của gần 20 diễn giả là lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, các chuyên gia du lịch, nhà đầu tư trong nước và quốc tế... Nội dung thảo luận nhằm tìm các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững tới năm 2030.
Trước đó, chiều 5/12, với chủ đề "Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững" phiên thứ nhất của Diễn đàn thu hút 500 khách mời tham dự với nhiều vấn đề nổi cộm của ngành du lịch Việt được nêu ra.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế ViEF.
ViEF gồm chuỗi diễn đàn chuyên đề: Nông nghiệp, Chính phủ số - Kinh tế số, Thị trường Vốn – Tài chính, Du lịch được tổ chức từ tháng 5/2018. Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF dự kiến diễn ra vào tháng 3/2019.
Với chuyên đề du lịch, diễn đàn có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Công ty TNHH Một thành viên Ivivu.com, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Novaland, Công Ty TNHH Phát Triển Nam Hội An (Hoiana), BIM Land thuộc Tập đoàn BIM Group, Công ty Du lịch Vietravel.
-
08h30
Diễn đàn khai mạc
Hơn 1.000 khách mời đã có mặt tại Diễn đàn, chuẩn bị thảo luận đi tìm lời giải cho bài toán bền vững của Du lịch Việt Nam.
Ngành du lịch Việt đang sở hữu hai bức tranh trái ngược. Một bên là mảng màu tươi sáng với tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia thèm muốn - 30% mỗi năm. Bên kia là màu tối khi nhiều công ty du lịch không dám đưa khách đến một số địa điểm nóng; các nhà điều hành khách sạn phải "vơ bèo gạt tép" để săn nhân sự; cả ngành hàng không 43 năm chỉ có thêm 2 sân bay mới..
Sau phiên thảo luận đầu tiên, các khách mời bình luận, đây là lần đầu tiên có một màn Diễn đàn về du lịch "nóng" đến tận phút cuối, khi hàng loạt chủ đề được chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý mang ra mổ xẻ, thậm chí không thiếu những màn tranh luận ngay tại chỗ.
-
Ông Trương Gia Bình: Nếu không thay đổi, du lịch Việt Nam đã chạm giới hạn
Là người phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân nhắc lại nội dung được các diễn giả trao đổi tại phiên thứ nhất chiều qua (5/12). Ông tổng kết các chuyên gia trong và ngoài nước cùng bộ ngành đều thống nhất quan điểm và cùng chia sẻ khát vọng phát triển du lịch. Hôm nay với sự tham gia của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho thấy sự quan tâm của Chính phủ với ngành kinh tế quan trọng này, ông nói.
Nhắc lại đóng góp của ngành du lịch sự phát triển kinh tế Việt Nam, ông Bình nhấn mạnh đây là ngành tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP. "Nhưng chúng ta cũng thấy sự lo lắng trong những năm tiếp theo. Trong nhiều năm Việt Nam chỉ xây dựng 2 sân bay mới. Nếu không thay đổi thì chúng ta đã đến ngưỡng giới hạn", ông Bình nói.
Có nhiều đề xuất những đột phá cụ thể được nêu ra, trong đó có thể linh động cho khu vực kinh tế tư nhân giải quyết vấn đề sân bay, dùng công nghệ số đào tạo nhân lực, quảng bá du lịch, sử dụng các căn hộ dư thừa để huy động sức xã hội cho ngành du lịch.
"Hôm nay sẽ có nhiều vấn đề hơn nữa để giải quyết. Sự ngạc nhiên lớn nhất ngành kinh tế quan trọng mà lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội thảo với sự góp mặt các bên liên quan. Tôi hy vọng chúng ta sẽ gỡ được nhiều hơn nữa những ách tắc của du lịch đề phát triển thời gian tới", ông Bình kỳ vọng.
-
09h00
Ông Olivier Muehlstein - Giám đốc điều hành BCG Singapore tóm tắt kết quả phiên thứ nhất của diễn đàn vào chiều ngày 5/12
Theo ông Olivier Muehlstein, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong ngành du lịch nhưng cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển. Ông tóm tắt 5 vấn đề đã diễn ra trong phiên thảo luận thứ nhất.
Một là cần thay đổi cơ cấu cũng như thách thức về cơ sở hạ tầng, khách sạn, cần tăng tốc phát triển sân bay để nâng cao công suất phục vụ, tăng vận tải hàng không từ nước ngoài vào để đạt mục tiêu của ngành du lịch năm 2025-2030.
Hai là cải thiện trải nghiệm của du khách tới Việt Nam, làm gọn những thủ tục phức tạp, tăng trải nghiệm đạt phòng, đặt vé, xử lý visa...
Ba là đẩy mạng truyền thông cho ngành du lịch, đưa Việt Nam trở thành điểm đến có thương hiệu.
Bốn là cải thiện công tác điều phối giữa Chính phủ với khối tư nhân, tạo sự phối hợp nhịp ngàng để tăng số lượng và chất lượng cũng như tăng đóng góp GDP.
Năm là cải thiện những vấn đề liên quan tới quản trị. Theo ông, Tổng cục Du lịch Việt Nam cần tự chủ hơn, có thể học hỏi từ Tổng cục Du lịch Singapore.
Tóm lại, thủ tục visa, marketing, sự phối hợp giữa các bên, cơ chế quản trị, tăng tính trải nghiệm cho du khách là những vấn đề được thảo luận trong phiên thứ nhất, chiều ngày 5/12.
-
09h06
Học hỏi mô hình Nhật Bản cho du lịch Việt Nam
Bắt đầu phiên tham luận đầu tiên, ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, tăng trưởng nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu nhưng khó khăn là làm sao để đưa ngành công nghiệp không khói lên tầm cao mới.
Theo ông, trước tiên, những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở lên nổi tiếng và đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Việt Nam cần tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu này đến với các khách hàng tiềm năng. Để tạo thương hiệu, chúng ta cần nguồn ngân sách và có những chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình phù hợp để giúp du khách biết rằng cách du lịch Việt Nam dễ dàng như thủ tục visa đơn giản, hệ thống hàng không thuận tiện, đi lại dễ dàng.
Ông John Lindquist cũng điểm lại những gì Việt Nam đã đạt được và so sánh với các quốc gia khác. Hiện, Việt Nam đã đạt 15 triệu lượt khách, tăng 10% so với 2 năm gần đây. Việt Nam phát triển nhanh nhưng so với Thái Lan mới chỉ đứng thứ 3.
So sánh với Nhật Bản, 10 năm gần đây, du lịch quốc gia này hiện tăng trưởng mạnh bởi từ năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe chọn du lịch là lĩnh vực quan trọng để phát triển trở lại. Trong một thập kỷ qua, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách như tăng công suất sân bay, nới lỏng visa, tăng ngân sách cho du lịch. Theo ông, Việt Nam có thể đi theo hướng này.
Về tác động kinh tế, lượng chi tiêu cho mỗi chuyến đi, người Nhật Bản chi hơn 1.500 USD cho mỗi chuyến đi trong khi Việt Nam chỉ hơn 900 USD. Về số lượng, chúng ta đã phấn đấu bằng Thái Lan nhưng lượng chi tiêu phải phấn đấu nhiều hơn, ông nói tiếp.
-
09h13
Khách quốc tế 'tiết kiệm' hơn khi ở Việt Nam
Khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lai là 9,5 ngày trong khi là của Thái Lan là 9,6 ngày, ông nói.
Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan con số này lên đến 163 USD. Sau khi so sánh các con số, ông John Lindquis cho rằng xây dựng các hình thức để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn là cần thiết.
Bên cạnh đó, ông John Lindquist chỉ ra Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực và cho rằng nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú hích về du lịch trong tương lai. Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến tăng 20%.
Theo ý kiến của ông John, Hội đồng tư vấn du lịch nêu ra nhiều đề xuất tốt như là bổ sung thêm quốc gia đc miễn visa, mở rộng từ 15-30 ngày miễn. Visa quá cảnh tăng lên 72 tiếng- quá trình cấp Visa dễ dàng hơn. Ông cho rằng là đó đề xuất phù hợp và khuyến khích có hành động cụ thể.
Đồng thời về chính sách visa, ông cũng nhấn mạnh cần tăng cường hạ tầng sân bay càng nhanh càng tốt. Bởi 2 sân bay lớn nhất hiện nay quá tải, cần thêm cơ sở hạ tầng cho phần này.
Nhưng điều này cũng cho thấy Việt Nam đang tăng trưởng du lịch nhanh. Vì vậy, cần càng nhanh càng tốt nâng cấp hạ tầng, không chỉ là sân bay, mà còn là hạ tầng kết nối sân bay.
Nhất là kết nối hạn chế với trung tâm giao thông quan trọng của châu Á. Việt Nam có số lượng chuyến bay thẳng thấp hơn hẳn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là tới khu vực Trung Đông, điều này khiến khách châu u rất khó tới Việt Nam.
-
09h25
Các nước chi hàng chục triệu USD cho quảng bá du lịch, Việt Nam chi 2 triệu USD
Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, cũng như quảng bá, ông John Lindquist nói tiếp. Dẫn nguồn từ Diễn đàn kinh tế Thế giới về phát triển du lịch, ông cho biết Việt Nam hiện chỉ xếp 80 trong tổng số 136 quốc gia, thậm chí sau Lào, Campuchia.
"Đây là thách thức lớn Việt Nam cần vượt qua. Visa là điểm yếu Việt cần cải thiện. Nếu Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu du lịch cần đầu tư hơn. Khi nhìn vào các thương hiệu du lịch đã duy trì bền vững qua hàng thế kỷ, ta có thể thấy điều cần thiết là nguồn tài chính ổn định", vị này nhấn mạnh.
Theo ông, về marketing quảng bá, Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu thông qua các chiến dịch rộng rãi hơn. Ví dụ tại Anh, Chính phủ dùng thông điệp "Great - vĩ đại" nhất quán tại nhiều lĩnh vực, thể hiện cho một quốc gia.
Một thương hiệu sẽ giúp nâng cao nhận thức nhưng cần định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm du khách. Vị này dẫn ví dụ từ Dubai - điểm đến mà ông cho rằng "cực kỳ thành công". Bởi họ xác định thương hiệu cho toàn quốc gia có 3 trụ cột, gồm: mua sắm, sang trọng, nghỉ dưỡng - giải trí.
Tại Malaysia họ thành công trong cả thập kỷ cũng nhờ 4 trụ cột là: đa dạng văn hóa, sang trọng, niềm vui gia đình và phiêu lưu với thiên nhiên. Họ nhắm đến từng đối tượng khách chuyên biệt, ít du khách nhưng mức chi tiêu cao.
"Có thương hiệu tổng thể sau đó xác định các trụ cột. Việt Nam cần định hướng giá trị cho du khách tiềm năng của mình", vị này nói.
Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch. Do đó, theo ông cần tăng tỷ lệ đầu tư. Du lịch là sản phẩm tiêu dùng cần cung cấp nhiều lựa chọn cho du khách. Ngoài nguồn tiền, nhiều nước còn có quỹ phát triển du lịch và quỹ quảng cáo.
Hội đồng tư vấn du lịch của Việt Nam được ông đánh giá là ý tưởng tốt. Khi có sự hợp tác giữa khu vực công và tư, việc tiêu tiền đầu tư cũng hiệu quả hơn.
Nhìn chung, Việt Nam muốn đột phá hơn cho ngành du lịch cần lưu ý một số điểm như: nới lỏng chế độ visa cho khách du lịch, tăng cường kết nối giao thông, đầu tư hãng hàng không, xây dựng thương hiệu quốc. Ngoài ra, các bạn cần thay đổi căn bản chi tiêu cho quảng bá, xây dựng thương hiệu và kênh marketing. Tổ chức du lịch phải tách biệt chức năng quản lý nhà nước để xây dựng các mạng lưới văn phòng tại nước ngoài.
"Đây là những điểm để du lịch Việt Nam có thể tầm cao mới. Nếu đi đúng hướng tôi tin Việt Nam sẽ thành công", Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh bày tỏ, kết thúc bài tham luận.
-
09h40
Singapore thu hút thêm một triệu khách quốc tế mỗi năm như thế nào
Trong bài tham luận thứ hai tại Diễn đàn, ông Chang Chee Pey - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore chia sẻ kinh nghiệm từ Singapore, cụ thể là tính sáng tạo và năng lực của Cơ quan quản lý du lịch Singapore.
Tổng cục Du lịch Singapore là cơ quan nhà nước thuộc Bộ Thương Mại & Công Nghiệp. Ngành du lịch Singapore đã phát triển năng động trong thập kỷ qua, mạnh nhất là giai đoạn 3 năm gần đây. Cụ thể, từ 2015 đến 2017, mỗi năm, quốc đảo sư tử đón thêm hơn một triệu lượt khách.
Chia sẻ về lượng khách du lịch quốc tế tới Singapore 2017, ông Chang Chee Pey cho biết, khách Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ chiếm số đông, đây cũng là ba thị trường du khách lớn nhất của Singapore hiện nay. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 thị trường lớn của ngành du lịch Singapore.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, xuất phát điểm của ngành du lịch tại đây khá khiêm tốn. "Năm 1964, có 91.000 du khách đến thăm đất nước Singapore, khoảng 87.000 khách khác đến bằng đường biển. Nhưng nhờ việc theo đuổi ba yếu tố: đa dạng thị trường; phát triển, quy hoạch đề án và bắt kịp xu hướng người dùng, ngành Du lịch Singapore đã phát triển nhanh chóng", ông nói.
Trong đó, điểm nổi bật là việc đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Tổng cục Du lịch Singapore có 21 văn phòng đại diện tại các nước, đang hướng nhiều tới châu Á - nhóm thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, quy hoạch du lịch là nỗ cực của toàn Chính phủ và Tổng cục Du lịch Singapore.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore cũng đề xuất Tổng cục Du lịch Việt Nam có thể cân nhắc việc mở rộng mạng lưới văn phòng du lịch để định hình thị trường.
-
09h50
Vì sao Vịnh Marina có thể trở thành địa điểm nổi tiếng của Singapore?
Trả lời câu hỏi này, ông Chang Chee Pey cho biết trước đây, vịnh Mania là nơi trung chuyển hàng hóa của các tàu thuyền lớn muốn vào Singapore.
Tuy nhiên, từ thập kỷ 70, Chính phủ đã đưa chủ trương kiến tạo vùng nước ở Vịnh Marina và biến nơi đây thành khu vực trung tâm du lịch. Việc phát triển được chia thành nhiều giai đoạn và giờ vẫn đang triển khai.
Cụ thể, từ năm 1979, Singapore phát triển các trung tâm mua sắm, khách sạn lớn quanh khu vực này, biến nó trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Ở phía Nam vịnh, Singapore xây dựng những công trình kiến trúc nổi bật, trở thành địa điểm "check-in" nổi tiếng của du khách. Trước đó, quốc đảo này cũng tổ chức cuộc thi thiết kế toàn cầu để xây dựng khu "Vườn bên vịnh". Bên cạnh kiến trúc độc đáo, khu vườn này còn sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, tăng trải nghiệm cho du khách.
"Một trong những yếu tố giúp Singapore thu hút khách quốc tế là cá nhân hóa trải nghiệm cá nhân. Với những công nghệ đang ứng dụng, chúng tôi có thể hỗ trợ khách hàng có thể trải nghiệm tối đa", ông nói tiếp.
Singapore cung cấp nội dung phong phú thông qua phương thức phối hợp đa kênh đa điểm. Đồng thời, quốc đảo này cũng tận dụng phương thức phối hợp đa kênh đa điểm, làm mọi thứ dễ dàng hơn bao giờ hết để hỗ trợ thông tin kịp thời cho du khách thông qua các kênh khác nhau - khuyến khích du khách tham quan nhiều hơn.
-
9h59
Giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài cho Du lịch Việt Nam
Trong bài tham luận thứ ba, ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao tới thị trường du lịch Việt Nam.
Theo ông, Việt Nam có nhiều nguồn lực du lịch như địa danh, văn hoá, di tích và ẩm thực. Tất cả những điều này đều tạo sức hút và ấn tượng đối với du khách.
Tuy nhiên, ông Craig cho biết yếu tố con người, nhân sự về du lịch lại chưa được khai thác nhiều, trong khi đó đây là yếu tố để lại ấn tượng nhất với khách du lịch khi tới một điểm đến.
Nhìn chung Việt Nam đang có tăng trưởng về lượng cầu rất nhanh với con số tăng trưởng mà Tổng cục du lịch Việt Nam công bố.
Gần đây, có nhiều hình thức đi du lịch kết hợp như đi hội thảo, tham gia thể thao. Craig khẳng định, những hình thức kết hợp này tạo sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam có nhiều nguồn lực tài nguyên nhưng hiện nay đều đang bị khai thác quá tải, cần làm gì để phát triển du lịch bền vững và nâng cao trải nghiệm cho du khách, ông đặt câu hỏi.
Theo ông việc nên làm là cải thiện các dịch vụ để tăng trải nghiệm tốt cho du khách, từ đó mới có thể chọn sự tăng trưởng cho du lịch một cách bền vững.
Bên cạnh đó, việc phát triển các chính sách quảng bá để thu hút các nguồn đầu tư du lịch dài hạn cũng cần chú trọng, tránh quan tâm quá nhiều tới các nguồn ngắn hạn. Theo ông, điều này không có lợi cho ngành du lịch tăng trưởng bền vững. Đầu tư nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy du lịch, có thêm tiền thì phát triển kinh tế nhanh hơn.