Sau phiên thảo luận với nhiều điểm nóng diễn ra chiều 5/12, Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 bước vào phiên toàn thể với quy mô lớn gấp đôi cả về số lượng khách tham dự lẫn chủ đề được mang ra bàn thảo.
Lần đầu tiên, một Diễn đàn về chủ đề du lịch Việt Nam quy tụ hàng loạt tên tuổi hàng đầu của ngành cả trong nước lẫn quốc tế, như đại diện Hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh, Hội đồng Du lịch Nam Australia, Tổng cục Du lịch Singapore, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhà sáng lập hãng hàng không Air Asia...
Được ví như viên ngọc thô chưa được mài giũa, du lịch Việt Nam sở hữu vô số ưu điểm quý giá. Dù vậy, trong khi số lượng khách quốc tế liên tục gia tăng với tốc độ đáng thèm muốn 30% mỗi năm, phần lớn trong số đó một đi không trở lại.
Việt Nam chỉ đủ sức khiến các vị khách quốc tế rút hầu bao 96 USD một ngày đêm khi đi nghỉ tại đây. Trong khi đó, sang Thái Lan họ chi tiêu trung bình 163 USD mỗi ngày. So sánh với Nhật Bản, khách quốc tế chi trung bình 1.500 USD cho mỗi chuyến du lịch đến xứ sở hoa anh đào, khi sang Việt Nam họ chỉ chi 900 USD.
Một bang của Australia chi gấp 40 lần Việt Nam cho quảng bá du lịch
Một trong những nguyên nhân khiến du lịch chưa đạt như kỳ vọng là quảng bá du lịch. Trong bài tham luận mở màn phiên sáng nay, ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng trước tiên, những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở lên nổi tiếng và đưa Việt Nam tiếp cận bạn bè thế giới.
Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch.
Một ví dụ cụ thể khác là Nam Australia. ông Brent Hill - Giám đốc Marketing, Ủy ban Du lịch Nam Australia cho biết mỗi năm, vùng này dành 80 triệu USD để quảng bá du lịch, trong đó riêng tổ chức các sự kiện như đua xe đã tốn 40 triệu USD, còn lại để làm chi phí marketing.
Bên cạnh vấn đề tài chính, quảng bá như thế nào cũng cần được nghiên cứu kỹ. Ông John Lindquist dẫn trường hợp mà ông cho rằng "cực kỳ thành công" ở Dubai khi chính quyền tại đây xác định 3 trụ cột chính là mua sắm, sang trọng, nghỉ dưỡng - giải trí.
Còn Malaysia thành công trong cả thập kỷ cũng nhờ 4 trụ cột là: đa dạng văn hóa, sang trọng, niềm vui gia đình và phiêu lưu với thiên nhiên. Họ nhắm đến từng đối tượng khách chuyên biệt, ít du khách nhưng mức chi tiêu cao.
Nhiều bài học kinh nghiệm cụ thể cũng được đại diện các nước chia sẻ tại Diễn đàn. Ông Chang Chee Pey - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore mang đến câu chuyện thực tế của Singapore, cho thấy quốc gia nhỏ bé này đã làm gì để tăng từ 91.000 du khách năm 1964 lên hơn 17 triệu người năm 2017.
Một ví dụ đơn giản là riêng khu vực Vịnh Marina. Trước đây, Marina chỉ là một cảng tàu hàng. Từ thập kỷ 70, Chính phủ đã đưa chủ trương kiến tạo Vịnh Marina thành khu vực trung tâm du lịch, phát triển các trung tâm mua sắm, khách sạn lớn quanh khu vực. Ở phía nam vịnh, Singapore xây dựng những công trình kiến trúc nổi bật, trở thành địa điểm "check-in" nổi tiếng của du khách.
Cởi trói visa để hút khách
Ngoài vấn đề quảng bá du lịch, visa cũng tiếp tục được các diễn giả mang ra bàn luận tại Diễn đàn phiên sáng nay, sau khi trở thành chủ đề tranh luận trong chiều 5/12.
Đối lập với câu chuyện khách quốc tế thường đến Việt Nam rồi một đi không trở lại, ông Craig Douglas, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Khách sạn Lodgis kể câu chuyện người bạn của mình, 18 năm, năm nào cũng đi du lịch Phuket. Ông cho rằng nhiều du khách quay lại Thái Lan vì điều kiện visa tốt hơn Việt Nam.
Đồng quan điểm, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nêu kinh nghiệm của Anh trong vấn đề visa. Nước Anh có chính sách chặt chẽ để đảm bảo an ninh quốc gia nhưng cũng miễn visa cho 83 nước và có thể gia hạn visa 6 tháng, 5 năm, 10 năm. Theo ông, Việt Nam có thể xem xét hướng này và đưa ra các chính sách visa cởi mở mà không ảnh hưởng tới an ninh.
Tương tự, ông Bruno Angelet cho rằng Việt Nam nên thử nghiệm cởi trói visa khi 100 quốc gia đã thử nghiệm và có kết quả tốt. Bà Wendy Wu từ Wendy Wu Tours đưa ra dự đoán cụ thể rằng nếu Việt Nam miễn thị thực cho Anh, Australia, New Zealand sẽ giúp gia tăng 25% lượng khách từ các quốc gia này.
Bậc thầy marketing tranh thủ 'bán' vé máy bay tại Diễn đàn Du lịch
Là một trong những khách mời nổi bật tại Diễn đàn năm nay, Tony Fernandes, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Air Asia đem lại điểm nhấn thú vị cho diễn đàn. Có bài tham luận dài 8 phút, ông bắt đầu với lời chào "Xin chào" bằng tiếng Việt.
Người đứng đầu hãng hàng không giá rẻ Malaysia tỏ ra nhạy bén với thời sự, khi mở đầu bài tham luận bằng trận bóng đá quan trọng của Việt Nam sẽ diễn ra tối nay giữa Việt Nam và Phillipines tại giải AFF Cup. Nếu thắng, Việt Nam sẽ gặp đội bóng nước ông ở trận chung kết.
"Chúc đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng. Nếu Việt Nam thắng sẽ gặp Malaysia và chúng tôi sẽ bán vé đi xem trận chung kết", vị doanh nhân người Malaysia nói khiến hội trường cười ồ.
Sau câu nói đùa, ông cho biết mình chỉ còn 7 phút 25 giây để hoàn thành bài tham luận. "Nhưng các vị yên tâm, Air Asia không delay, luôn đúng hạn". Hội trường tiếp tục cười vang với màn "marketing" khéo léo của vị Tổng giám đốc.
Ông đem đến Diễn đàn câu chuyện về kinh nghiệm xây dựng hàng không giá rẻ của Air Asia. Sau 17 năm, Air Asia hiện là hãng hàng không giá rẻ lớn thứ ba châu Á với 270 máy bay và 20.000 nhân viên. Khi kết thúc bài phát biểu, ông không quên kêu gọi cả khán phòng "đừng quên mua vé Air Asia".
Các đơn vị hỗ trợ truyền thông cho Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 gồm có VTC1, HTV1, Vietnam News, tạp chí Du lịch, tạp chí Tài chính, Công ty TNHH Rich Media và Công ty Cổ phần Đầu tư Bizman.
VnExpress
Xem diễn biến chính