Dưới đây là chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Đức Chí, giảng viên môn Luật Du lịch tại nhiều trường đào tạo chuyên ngành này.
Một hướng dẫn viên du lịch (HDV) tiếng Trung từng cho biết, chỉ với một tour Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, TP HCM khoảng 7 ngày, anh có thể kiếm 20 triệu đồng. Tuy nhiên, anh phải cam kết chỉ thuyết minh và không được can thiệp vào việc trưởng đoàn nước ngoài độc quyền mua bán với khách của họ trong lúc đi du lịch.
Có thẻ hành nghề được Sở Du lịch cấp, nhiều HDV tiếng Nga, Hàn Quốc cũng ngậm ngùi chia sẻ, họ không được thuê hoặc có thuê cũng chỉ làm bình phong ngồi một chỗ, không được cầm micro thuyết minh cho khách, nhằm đối phó các đoàn kiểm tra du lịch.
Tình trạng đó còn lan sang các đoàn khách nói tiếng phổ biến như tiếng Anh (các doanh nghiệp lữ hành có thể sử dụng HDV tiếng Anh để đón tất cả khách quốc tế nói chung). Bởi thực tế, đa số khách và công ty lữ hành vẫn muốn người hướng dẫn phải là người bản xứ hay nói tiếng bản xứ của du khách.
Thực trạng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam xảy ra từ rất lâu tại nhiều thị trường khách tăng trưởng nóng. Đó là khâu tiếp diễn sau khi một số công ty nước ngoài đã đặt chân vững chắc vào hoạt động du lịch Việt Nam.
Để đáp ứng nguồn khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Malaysia... đang tăng lên nhanh chóng, các công ty cùng nhiều đối tác gửi khách của họ không ngần ngại sử dụng những người không có thẻ hoặc người nước ngoài sang Việt Nam làm trưởng đoàn kiêm luôn công việc hướng dẫn du lịch.
Tình trạng trên xuất phát từ việc hướng dẫn viên du lịch quốc tế cho một số thị trường khách đến Việt Nam (inbound) còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Trên cả nước, số lượt khách quốc tế tính trên mỗi HDV có tỷ lệ rất cao, trung bình 980 khách (số liệu năm 2018).
Bên cạnh đó, Luật Du lịch 2017 còn quy định các đoàn khách Việt Nam đi nước ngoài (outbound) phải sử dụng người có thẻ HDV du lịch quốc tế. Với 10 triệu lượt khách outbound năm 2018 (theo ước tính của Hiệp hội Du lịch Việt Nam), lượng HDV quốc tế hiện khó đáp ứng hết.
Ngoài ra, việc sử dụng HDV ngoại còn bị chi phối bởi các các hãng lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài hoặc chiếm thị phần quan trọng trong việc đưa khách quốc tế đến Việt Nam. Như trường hợp tour 0 đồng của Trung Quốc, công ty nước ngoài giữ quyền quyết định việc chọn HDV để thực hiện chương trình theo đúng yêu cầu của họ, đến các điểm mua sắm.
Trong khi đó, các công ty lữ hành lớn của Việt Nam vẫn chưa nắm vai trò chủ động với nguồn khách inbound. Hiện với khách tàu biển - nguồn khách inbound lớn, chỉ có vài công ty trực tiếp làm (Saigontourist, Tân Hồng, Destination Asia, Intercruise, ICS...). Thị phần còn lại đều do các đối tác gửi khách sang Việt Nam.
Lý do các hãng lữ hành đưa ra khi không dùng các cộng tác viên HDV Việt Nam có thẻ (đa phần là HDV tự do) là chưa đủ khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm chăm lo khách không bằng người nước ngoài.
Điều này tương tự với các đoàn khách Hàn Quốc, Nga, Malaysia. Họ có thể dùng nhân viên của mình không có thẻ hay người nước ngoài (thường là trưởng đoàn) để dẫn đoàn, giữ bí mật kinh doanh tránh mất nguồn khách. Họ e ngại HDV cộng tác sẽ giới thiệu khách sang đơn vị khác.
Tuy nhiên, lý do chính là các công ty nước ngoài muốn kiểm soát doanh thu từ nguồn chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam khi cung cấp các dịch vụ, khu mua sắm theo chuỗi khép kín. Minh chứng là một loạt cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc đã mọc lên tại Quảng Ninh, Nha Trang từng bị chính quyền sở tại phát hiện và chấn chỉnh.
Thời gian qua, cơ quan chức năng tại các trọng điểm du lịch Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và TP HCM đã tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra, xử phạt HDV không thẻ, HDV là người nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó chưa đạt hiệu quả cao. Bởi thực tế, lực lượng kiểm tra còn thiếu về nhân sự, nhất là người biết ngoại ngữ để phiên dịch trong các buổi làm việc với người nước ngoài vi phạm.
Quy trình và cơ chế xử lý vi phạm của người nước ngoài hiện vẫn còn lúng túng trong việc xác lập hành vi để trục xuất, vì họ đến Việt Nam trong thời gian ngắn, có thể đã về nước khi bi phát hiện. Việc xử lý vì vậy gần như "bắt cóc bỏ đĩa", mang tính chiến dịch theo đợt, phụ thuộc vào hoạt động của thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hay Sở.
Ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia... việc xử lý chế tài với HDV nước ngoài rất nặng và có cả cảnh sát du lịch để thực thi mọi lúc, mọi nơi.
Tình trạng người nước ngoài ngang nhiên hành nghề hướng dẫn không phép ở Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ với ngành du lịch. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh với các HDV Việt Nam và hãng lữ hành trong nước. HDV không được hành nghề, giảm hoặc mất thu nhập, mất cơ hội trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tác động xấu đến tâm lý trong hoạt động du lịch khi tiếp xúc và chấp nhận tiêu cực. Công ty lữ hành mất thị phần, thất thu.
Về mặt văn hóa, lịch sử, an ninh chủ quyền quốc gia, việc người nước ngoài không hiểu về văn hóa Việt Nam nhưng đứng ra thuyết minh đã ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến, thậm chí thông tin sai lệch. Thương hiệu điểm đến cũng bị giảm sút khi khách được định hướng đi mua sắm, sử dụng dịch vụ theo mong muốn của công ty hoặc người hướng dẫn, mà không được tiếp cận thông tin hay sử dụng các dịch vụ khác với chất lượng và mức giá tốt hơn.
Du lịch là một trong những nội dung thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, tổ chức ngày 2-3/5. Mục tiêu hướng đến là "thu hút, tăng cường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày đến Việt Nam".
Phiên hiến kế du lịch có sự đồng hành của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air), Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) và Tập đoàn BIM (BIM Group).
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chỉ đạo, tổ chức, phối hợp cùng Ban IV - Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính, báo VnExpress và tập đoàn IEC. Dự kiến 2.000-2.500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Xem chi tiết: https://vief.vnexpress.net/
Nguyễn Đức Chí