Kopi luwak được làm từ những hạt cà phê do luwak - cầy vòi hương (Asian palm civet) ăn vào, tiêu hoá và thải ra. Hạt cà phê trong phân cầy luwak sẽ được rửa sạch và chế biến. Người phương Tây thường gọi đây là "cà phê phân mèo". Với giá khoảng 35 - 100 USD một cốc, kopi luwak được phong là cà phê đắt đỏ nhất hành tinh.
Theo truyền miệng, kopi luwak được phát hiện trong thời kỳ Indonesia là thuộc địa của Hà Lan. Thời ấy, nông dân Indonesia bị cấm thu hoạch cà phê theo nhu cầu cá nhân. Họ phải tranh giành để lấy cà phê, và nhận thấy phân của cầy vòi chứa những hạt cà phê được làm sạch tự nhiên, không nấm mốc hoặc sâu thối.
Nông dân ở Indonesia khẳng định đây là loại cà phê ngon nhất trên thế giới. Bởi, cầy vòi hương khá kén ăn, chúng chỉ chọn những trái cà phê chín nhất. Tiếp đó, enzyme tiêu hóa của loài vật này "thay đổi cấu trúc protein trong hạt cà phê, loại bỏ một số axit để tạo ra một tách cà phê uống êm hơn", theo National Geographic. Hệ tiêu hóa của cầy còn loại bỏ toàn bộ lớp vỏ của trái cà phê đôi khi còn sót lại trên hạt trong quá trình chế biến.
Trong nhiều thập kỷ, kopi luwak là đặc sản địa phương của Indonesia, gần như chỉ thu lượm từ cầy hoang dã. Lũ cầy tự do kiếm ăn trong vườn cà phê và nông dân phải săn lùng phân của chúng.
Nhưng từ khi chuyên gia Tony Wild giới thiệu kopi luwak đến phương Tây vào đầu những năm 1990, với tư cách là giám đốc cà phê của hãng Taylors of Harrogate, tất cả đã thay đổi. Hiện nhu cầu mua loại cà phê này rất lớn. Nhiều nhà bán lẻ xa xỉ trên toàn thế giới nhập khẩu, mở rộng sản xuất sang Trung Quốc, Campuchia, Philippines và Việt Nam - phổ biến với tên gọi cà phê chồn. Còn tại Indonesia, đây là một trong những đặc sản hấp dẫn nhất được chào bán cho khách du lịch.
Dần dà, kopi luwak không còn là cà phê từ cầy hoang dã. Phần lớn lũ cầy luwak bị bắt và nhốt trong lồng trên các đồn điền cà phê khổng lồ. "Tương tự như gan ngỗng béo foie gras, lũ cầy bị ép ăn trái cà phê", Suwanna Gauntlett, người sáng lập tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Wildlife Alliance, nói với Globalpost.
Năm 2013, chính chuyên gia cà phê Tony Wild lên tiếng kêu gọi chấm dứt nạn bóc lột cầy để khai thác kopi luwak. Bản tính sống đơn lẻ khiến lũ cầy vòi hương căng thẳng khi sống gần nhau, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do chế độ ăn chỉ có cà phê, nhiều con có thể tự gặm chân và chết.
Trước khi đến Bali (Indonesia), Harrison Jacobs, phóng viên Business Insider, nghe bạn bè nhắn rằng anh phải thử kopi luwak. Chàng trai Mỹ đến Satu Satu Café tại Canggu, một thị trấn ven biển. Cà phê tại đây được trồng từ trang trại rộng hơn 2,4 hecta của gia chủ, người khẳng định chỉ lấy hạt cà phê từ cầy hoang dã.
Harrison quyết định thử một ly, yên tâm vì chọn được một địa chỉ uy tín. Vốn ghiền cà phê, uống nhiều loại từ Espresso, Aeropress, cà phê Pháp... nhưng anh cho biết không có cảm nhận gì đặc biệt với kopi luwak.
"Nó êm hơn so với ly cà phê bình thường, nhưng không ngon hơn những ly tôi từng uống với giá tiền đó. Tôi thấy nó có một hương vị quá nặng mùi đất. Tới giờ, trải nghiệm này giúp tôi có thể kể lại với bạn rằng mình từng thử một trong những loại cà phê đắt nhất thế giới, hơn là nói đến một cực phẩm", anh chia sẻ.
Bảo Ngọc (Theo Business Insider)