Ước mơ được chạm chân mình đến Hàn Quốc của tôi có từ thời cấp 3, khi đó làn sóng phim Hàn bắt đầu đến khán giả Việt với những cái tên phim rất đình đám như Hoa cúc vàng, Anh em nhà bác sĩ... Tôi bắt đầu mơ về một đất nước có điều kỳ diệu bên dòng Hangang (sông Hàn) thơ mộng, mà người ta vẫn thường hay nhắc tới nó bằng cụm từ “kỳ tích sông Hàn”. Ấy vậy mà cho đến cái tuổi ngoài 30, bằng một suất học bổng du học tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Hàn Quốc thông qua ngôn ngữ tiếng Hàn của trường Đại học Quốc gia Seoul, tôi mới đặt được chân mình tới xứ kim chi nức tiếng có thần dược sâm Cao Ly chữa bách bệnh.
Đó là một điều diệu kỳ mà trường Đại học Quốc gia Soeul nói riêng và của đất nước Hàn Quốc nói chung đã dành tặng cho tôi. Chính vì vậy, trong một năm ngắn ngủi đó, ngoài việc học tập, tôi tranh thủ mọi thời gian có được để có thể đi, có thể hít thở hết đời sống Hàn Quốc từ thành thị cho tới nông thôn. Tôi học từng con chữ Hàn trên giảng đường đại học và những thước phim Hàn Quốc lãng mạn mà tôi có cơ hội được dịch cho các đài truyền hình khi ra trường. Giờ đây, khi viết lại những dòng chữ này, Hàn Quốc vẫn còn nguyên vẹn trong tôi không một chút nhạt nhoà bởi những ấn tượng đó.
Với tôi, không nơi nào biết trân trọng và quý môi trường như người Hàn Quốc. Tôi tin chắc rằng nếu ai đó từng qua công viên Thiên Đường (Hanul) sẽ đều có nhận xét như thế giống như tôi. Người ta biến từng cọng rác thành từng nhành hoa, ngọn cỏ. Và hơn thế nữa, họ thay rác thành điện năng bằng cách biến một vùng đất chết vì ô nhiễm, hậu quả của quá trình vơ vét mọi tài nguyên để phục vụ phát triển kinh tế sau nội chiến. Ngày nay, công viên này là thiên đường để người Hàn đến nghĩ dưỡng, ngắm cảnh sông Hàn. Sự tái sinh của Hanul là cách người Hàn trả nợ cho mẹ thiên nhiên những gì họ từng vay trả. Một bài học về cách yêu môi trường của người Hàn mà tôi đã thấy được.
Một không gian triển khai cho mọi ý tưởng. Phải nói người Hàn Quốc rất biết kinh doanh ý tưởng. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một ngọn núi có tên Nam San, một ngọn núi nằm về phía Nam của thủ đô Soeul. Thiên nhiên vốn đã ưu ái dành cho Nam San những cung đường tuyệt đẹp. Song, tôi tin rằng, du khách và người Hàn đến Nam San không chỉ vì những con đường này. Trên đỉnh núi có ngọn tháp truyền hình được xây dựng năm 1969, mở cửa tham quan năm 1980.
Sẽ không có gì là đặc biệt nếu nó chỉ là ngọn tháp dùng để phục vụ cho việc phát sóng của 3 đài truyền hình tư nhân. Tuy nhiên, người ta đã biến nó khu du lịch hấp dẫn nhất của châu Á từ ý tưởng xây dựng nó trở thành ngọn tháp tình yêu. Hàng triệu du khách để đây chỉ để thực hiện lời nguyện cầu tình yêu của mình trên những chiếc móc khoá nhỏ bé, xinh xắn. Giờ đây Nam San đã trở thành biểu tượng, là không gian tình yêu cho các bạn trẻ Hàn Quốc đến kỷ niệm 100 ngày yêu đương.
Ý tưởng làm du lịch không chỉ có từ trong các hoạch định của nhà cầm quyền nước sở tại, mà còn có trong từng những điều rất nhỏ của chính người dân bản xứ yêu quê hương bản sở. Nếu có dịp đến Pyongyang, một thị tứ giáp biên giới liên triều, bạn sẽ thấy được điều tôi muốn nói. Không phải hàng nghìn du khách đến Petite France chỉ để được ngồi vào cây đàn dương cầm có trong bộ phim Beethoven Virus (Bản giao hưởng định mệnh) được sản xuất năm 2008 hay gần đây nhất là bộ phim Vì sao đưa anh tới.
Người ta đến đây vì thán phục ý chí của ông giám đốc khu du lịch này. Từ một người chuyên kinh doanh đồ tái chế, ông đã biến ước mơ cho khu đất của mình trở thành một nước Pháp xinh đẹp trên xứ Hàn. Gần 8.000 du khách cuối tuần đến đây chỉ để được cảm nhận không gian văn hoá của Tây Âu. Đó là quả là điều không tưởng cho một người dân ít học làm du lịch, một lĩnh vực kinh doanh không khói, lắm cạnh tranh và cần nhiều táo bạo trong suy nghĩ.
Hàn Quốc là đất nước biết quý và trân trọng lịch sử. Tôi nghĩ trẻ con Hàn không khó để cảm nhận được lịch sử của quốc gia mình. Bởi trải dài trên đất nước rộng lớn đó, đâu đâu trẻ con và học sinh của xứ Hàn cũng có thể chạm chính tay mình vào lịch sử. Giữa lòng Seoul hoa lệ, một trong những thành phố năng động, nhộn nhịp nhất của thế giới là tường thành cổ kính, là cung điện uy nghi, trầm mặc được bảo tồn có quy củ như thách thức bước chạy của thời gian. Người Hàn vốn không thích những đau buồn nhưng cái cách họ tu bổ các công trình kiến trúc bị tàn phá trong cuộc chiến với Nhật Bản, đủ cho chúng ta hiểu cách họ dạy cho con cháu mình biết vươn lên từ những đau buồn lịch sử của chiến tranh là như thế nào.
Chưa hết, tôi cũng đã có dịp về nơi được mệnh danh là bảo tàng không bức tường Kyongju, để cảm nhận đủ hơn cách người Hàn trân trọng quá khứ. Những ngôi mộ có từ thời Tam Quốc Triều Tiên được người Hàn giữ gìn như báu vật. Người ta còn ưu ái gọi cho chúng với cái tên rất đẹp. Đó là công viên mộ. Để hiểu cha ông mình đã sống như thế nào, người ta cho khai quật chúng lên nhưng sau đó trả lại nó về những trạng thái ban đầu. Người Hàn xem đó là cách họ tôn trọng lịch sử.
Văn hoá truyền thống không bị bỏ quên. Hàn Quốc đi lên từ văn hoá. Tôi dám khẳng định với các bạn như thế. Làng dân tộc Hàn Quốc là một trong những minh chứng cho sự khẳng định này. Những ngôi nhà rơm với các kiểu dáng đại diện cho những vùng miền khác nhau, được sống lại trong không gian tiếng trống Samulnori cầu mùa cho mưa thuận gió hoà. Không gian mở đó góp phần đưa bạn về thời Choseon cực thịnh. Họ biết khai thác tối đa văn hoá truyền thống vào những bộ phim lịch sử, rồi lấy thành công của những bộ phim đó làm yếu tố chính để quảng báo văn hoá quốc gia mình ra với thế giới. Không khó để hiểu vì sau tận trời Âu Mỹ đang "điên cuồng" với làn sóng mang tên Hallyu (Korea wave).
Xứ sở của những lễ hội. Giống với Việt Nam, Hàn Quốc cũng có nông nghiệp nên có nhiều lễ hội. Ngày nay, để phục vụ du lịch và tạo không gian vui chơi xả stress cho những con người của thế giới công nghiệp, bạn khó có thể tính được hết Hàn Quốc có bao nhiêu lễ hội trong năm. Mùa xuân họ có lễ hội hoa anh đào, hoa hồng; mùa thu có lễ hoa cúc; ngày hè có lễ hoa sen... trong đó, tôi thích nhất lễ hội bùn ở Boryong. Cách tổ chức và sắp xếp của họ cho bạn thấy mình thật sự là người đến chơi hội. Không mang nặng tính hình thức, sự thành công của những lễ hội này là cách họ chỉ đem thiên nhiên đến gần con người hơn, mà không cần sắp đặt màu mè. Hành động này giúp con người có thể hiểu hơn về cuộc sống xunh quanh, cũng từ đó có cách hành xử trân quý hơn từ những giản đơn của môi trường đã đem lại cho con người.
Khác với trước đây, người Hàn xem người nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời xã hội vốn lấy nho gia, gốc gia đình làm trọng của họ. Hàn Quốc có rất nhiều chính sách cho người nước ngoài hoà nhập với cuộc sống đa sắc màu đó. Cùng với đó là những quy hoạch trong không gian sống, đúng như sự năng động Dyamic Korea là hình ảnh mà họ đã và đang xây dựng. Chúng ta có thể tìm thấy văn hoá Ấn Độ, ẩm thực Ấn Độ ở những khu phố đi bộ tại Itaewon, văn hoá Nhật, ẩm thực Nhật tại Myongdong, văn hoá Trung Hoa, ẩm thực Trung Hoa tại Wolmido và văn hoá Việt Nam, ẩm thực Việt Nam ở Ansan của tỉnh Kyongkido...
Tôi sẽ không bao giờ quên Hàn Quốc, bởi mỗi nơi đến là một bài học, một kỷ niệm đẹp trong tôi về con người xứ kim chi biết đứng lên từ những khó khăn của chiến tranh. Nếu có thể, tôi sẽ trở lại Hàn Quốc để thêm một lần nữa cho phép chính mình có được những cảm nhận mới hơn, vì tôi dám chắc rằng họ là một đất nước không bao giờ biết dừng lại.
Cuộc thi 'Hàn Quốc hành trình kỷ niệm' do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, bắt đầu từ ngày 1/7 đến 15/8. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Nam Cường