Bên cạnh vẻ hào nhoáng của World Cup 2014 - một sự kiện tốn kém hàng tỉ USD mà khán giả được thấy trên truyền hình mỗi ngày, thì tại Rio de Janeiro, một trong những thành phố đẹp nhất hành tinh, đã và đang tồn tại một thế giới hoàn toàn khác. Đó chính là Favela, khu ổ chuột tội phạm nổi danh. Điều đặc biệt là hai thế giới này chỉ cách nhau một ngọn đồi, ngay dưới chân tượng chúa Jesus.
Bạn không thể một mình đến khu này vì Favela là nơi không hề an toàn chút nào. Chúng tôi được người dẫn đường đưa đến đây, nơi người ta phải biết mặt bạn là ai. Cô gái dẫn đường của chúng tôi rất trẻ và đang học thạc sĩ, nhưng do quen biết địa hình và luôn dễ thương với những người sống trong khu Favela nên cô đã làm thêm bằng việc dắt du khách đến đây trong nhiều năm.
Nếu đã từng xem bộ phim “City of God” vào những năm 80, bạn sẽ rùng mình khi nghe đến Favela với tình trạng tội phạm đẫm máu nhất Brazil. Không chỉ bộ phim này đề cập đến Favela, mà năm 1996, Micheal Jackson đã đến đây để quay toàn bộ video ca nhạc “They don’t care about us”. Từ video này, Favela được nhắc đến như một khu ổ chuột tồi tàn và bạo lực nhưng rất đáng thương bởi chẳng ai biết họ sống chết ra sao. Người dân ở đây đã xây dựng “Jackson Square” để ghi nhớ công ơn của ông hoàng nhạc Pop khi giúp cả thế giới biết đến cuộc sống của họ.
Favela ngày nay đã không còn tình trạng tội phạm tồi tệ như những năm 80 nhờ vào sự thoả hiệp của chính phủ với các băng đảng. Thực tế, những người sống trong khu này là người nhập cư nghèo khổ, mà so với cuộc sống trước đây của họ, thì Favela vẫn còn tốt hơn nhiều. Đó là lý do khu vực này vẫn còn tồn tại. Còn tình trạng bạo lực xảy ra thường vì sự thanh toán giữa các băng đảng lẫn nhau. Người dẫn đường cho biết, chính phủ luôn thoả hiệp với các băng đảng để họ ngưng bắn giết mỗi khi có sự kiện lớn. Với World Cup và Olympic, chính phủ thường thoả hiệp “ngưng bắn” 3 tháng. Các băng đảng sẽ tự động rơi vào yên lặng trong thời gian thoả hiệp.
Tại Favela, người ta có thể dễ dàng mua bán ma tuý và súng. Tuy nhiên, đây cũng là nơi lưu trú của những hoạ sĩ nghèo. Họ bán tranh cho các du khách đến thăm. Cô gái hướng dẫn rất thân với những đứa trẻ và chúng cũng thường vẽ tranh để du khách thương tình mua giúp.
Cư dân nghèo ở Favela vẫn mê bóng đá như những người giàu có ở phía bên kia chân núi. Khi World Cup diễn ra, người dân Brazil đã có cuộc thi con đường nào được trang trí đẹp nhất. Tuy nhiên theo người hướng dẫn, cô thích những con đường nhỏ ở Favela nhất bởi nó mang ý nghĩa tinh thần rất lớn.
Cô gái này còn cho biết, người dân ở đây rất tình cảm với nhau. Họ đều quen biết nhau và sống gắn bó. Thậm chí một số người đã có cuộc sống khá hơn nhưng họ lại không muốn rời đi. Nếu có tiền họ sẽ sơn sửa nhà cho đẹp hơn, vì thế nhà cửa ở Favela hiện nay khá rực rỡ với nhiều màu sắc khác nhau.
Cùng đi với tôi chỉ có hai cha con đến từ Pháp. Họ luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi cho cô hướng dẫn, bởi với họ, thật khó tưởng tượng khu ổ chuột lại tồn tại ở một trong những thành phố đẹp nhất thế giới.
Câu hỏi của anh du khách có lẽ cũng là thắc mắc của nhiều người khi đến đây. Liệu Favela còn tồn tại đến bao giờ? Và sau khi sự kiện lớn nhất hành tinh là World Cup kết thúc, nghĩa là khi thoả hiệp ngưng bắn giữa các băng đảng tội phạm cũng hết, thì cuộc sống tại Favela sẽ vẫn tồi tàn và nguy hiểm như nó vốn có.
Năm 2016 sắp tới, Rio de Janeiro lại là nơi diễn ra sự kiện Olympic lớn nhất hành tinh. Vậy sẽ lại có những thoả hiệp ngầm tiếp theo cho đến khi những trận đấu kết thúc, và Faleva vẫn tồn tại như một phần không thể dứt bỏ của xứ Samba.
Xem thêm: Khu ổ chuột thành 'Santorini xứ Hàn'
Uyên Nguyễn