-
11h56
Ý kiến của các đại biểu tập trung vào một số vấn đề lớn:
Việt Nam cần cởi mở visa hơn nữa, bằng visa điện tử, visa cửa khẩu. Miễn visa đơn phương vẫn cần thiết. Nhiều đại biểu mong muốn đề nghị chính phủ miễn cho 3 nước (Australia, New Zealand, Canada) để tạo đà, nhanh chóng đuổi kịp các quốc gia khác. Doanh nghiệp cũng cam kết tăng trưởng 10 - 20% khách từ những thị trường được miễn visa.
Về nguồn nhân lực du lịch, nhiều ý kiến đề xuất đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp mở trường ngay trong doanh nghiệp. Nếu chỉ phụ thuộc vào chính quy, chỉ đào tạo được hàng chục nghìn doanh nghiệp không đủ cho hàng triệu lượt khách.
Xu thế của cả thế giới là tăng trưởng xanh nên chính phủ cần khuyến khích người dân phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường. Cần phát triển nhanh du lịch sinh thái, cộng đồng, hài hoà quyền lợi của ba bên du khách, người dân, công ty lữ hành.
Du lịch là một ngành kinh tế cần chuyên môn, kiến thức. Với văn phòng đại diện ở các nước, chỉ những người làm du lịch vận hành mới đáp ứng, phục vụ được nhu cầu của khách. Đây là việc cần làm và phải giao cho ngàng du lịch. Nếu Thủ tướng cho phép mở hai văn phòng thì tư nhân sẽ đóng góp kinh phí duy trì hoạt động trong 4 năm không cần vốn nhà nước.
Về xúc tiến du lịch, Quỹ Phát triển du lịch hiện tại làm hạn chế quảng bá. Nếu Quỹ từ nhà nước, nguồn thu chỉ từ nhà nước, khi doanh nghiệp đóng góp, họ cần minh bạch thông tin và tham gia điều hành. Do đó, cần điều chỉnh để quỹ mở rộng hơn.
Về dịch vụ du lịch, các diễn giả đề xuất Chính phủ có những chính sách khuyến khích sản xuất hàng hoá, cửa hàng miễn thuế ở các trung tâm du lịch.
Hầu hết các diễn giả đều đề cập đến vai trò của quản lý nhà nước, do đó cần phải xác định rõ ràng giữa chức năng quản lý và nghiệp vụ xúc tiến.
-
11h54
Cuối phiên hiến kế, ông Vũ Thế Bình đặt câu hỏi nếu diễn giả chọn một đề xuất, thì sẽ chọn đề xuất nào? Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Du lịch cho biết, về phía cơ quan quản lý du lịch, chúng tôi thiết tha "phát triển mạnh thương hiệu du lịch Việt Nam". Việc này hiện thuộc tránh nhiệm của Tổng cục Du lịch với các doanh nghiệp đồng hành.
Ông Kenneth Atkinson đề xuất Việt Nam nên có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài và nâng cao vai trò của tư nhân hơn nữa.
-
11h45
Đề xuất tăng nguồn thu cho quỹ phát triển du lịch
Ông Trương Tấn Sơn - đại diện Saigontourist cho biết các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chung tay quảng bá du lịch Việt nhưng phải chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. Về việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng tiếp cận quỹ này rất khó.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thu phí lưu trú mỗi đêm/phòng, Việt Nam có thể áp dụng tại một số điểm du lịch nóng.
Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần HG đặt vấn đề, hiện muốn du lịch trở thành ngành mũi nhọn, lãnh đạo ngành nên cân nhắc thành lập Quỹ Phát triển du lịch. Thứ hai, nguồn lực cần tiền, ngân sách phát triển còn hạn chế. Minh chứng rõ ràng nhất thể hiện qua website vietnam.travel do Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện, có nhiều khác biệt nổi trội so với những trang quảng bá cũ. Thứ ba, Việt Nam cần thành lập các văn phòng quảng bá du lịch ở nước ngoài. Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản rất thành công ở thị trường Việt Nam vì họ có văn phòng ở đây, có nhiều sáng kiến hợp tác.
-
11h30
Sân bay Long Thành sẽ được nâng công suất lên 80 triệu khách
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định hàng không đang có nhiều hạn chế. Một là hạ tầng cơ sở, hai là làm sao đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và an toàn. Về chính sách cho tư nhân phát triển hàng không, thực tế trong thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia, đề nghị khuyến khích nhưng cũng phải có hành lang pháp lý đầy đủ. Quan điểm của nhà nước là phải phát triển bền vững, bao gồm cả những dự án phát triển cảng hàng không. Nếu cứ làm tự do, nền kinh tế nhà nước sẽ rơi vào khủng hoảng.
Ngoài ra, phát triển hàng không phải có tư vấn nước ngoài với cái nhìn khách quan và dài hạn hơn.
Cơ chế quản lý đầu tư ở Việt Nam được ông Thắng đánh giá là rất phức tạp. Sân bay Long Thành từng được kỳ vọng mang tính tầm cỡ, trung tâm trung chuyển nhưng đến nay trọng tâm dường như đã bị sai, không có hạ tầng kết nối với nơi này.
Sân bay Long Thành không chỉ cần 5 tỷ USD nữa mà cần thêm 5 tỷ USD cho các công trình xung quanh. Nếu không, sân bay này sẽ trở thành ốc đảo. "Chúng tôi đã khẳng định sẽ quy hoạch lại sân bay Long Thành, công suất khoảng 80 triệu khách", ông Thắng nói.
Với cảng hàng không Đà Nẵng, công suất sẽ được nâng lên 30 triệu khách.
-
11h25
Quy hoạch cho sân bay Đà Nẵng cũng cần được đề ra
Ông Lương Hoài Nam - thành viên TAB chỉ ra hiện trạng của các sân bay ở Việt Nam. Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) quá tải kéo dài nhiều năm. Theo ông Nam chúng ta đã có nhiều giải pháp xây dựng được tranh luận, đã đến lúc Chính phủ phải quyết. Quan trọng nữa là việc thành phố mở đường nối vào khu sân bay mới cho thông thoáng để giải quyết dứt điểm chuyện sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Nam cũng bày tỏ sự lo lắng về tiến độ hoàn thành dự án sân bay Long Thành."Quốc hội thông qua báo cáo tiền khả thi 3 năm rồi. Các thủ tục hành chính về dự án này cũng chậm và cồng kềnh quá. Để đẩy nhanh tốc độ, ông Nam đề nghị mời những nhà đầu tư tư nhân tham gia vào.
Sân bay Nội Bài cũng đã sử dụng hết công suất quy hoạch từ năm 1990 là 20-25 triệu lượt khách. Vì vậy Chính phủ cũng cần rà soát, xem xét lại việc tăng công suất, không phải là lên 50 triệu khách mà lên 100 triệu khách và có những phương án rõ ràng.
Nhà ga số 2 của sân bay Đà Nẵng vừa xây xong đã chạy hết công suất. Do đó cũng cần xem xét lại việc quy hoạch cho 20, 30 năm nữa để chủ động trong việc mở rộng sân bay Đà Nẵng. Tiếp đến là mối liên kết giữa sân bay Đà Nẵng với sân bay Chu Lai trong tổng thể vùng.
-
11h11
Nhiều địa phương mong có sân bay quá tải
Tính đến tháng 3/2019, hàng không đang có 22 cảng trong đó có 9 cảng quốc tế. Từ 2014 - 2018, hàng không Việt Nam thuộc top phát triển nhanh nhất thế giới, cùng Trung Quốc, Ấn Độ, theo ông Đinh Việt Phương - Phó tổng giám đốc Vietjet. Thành quả này nhờ chính sách mở cửa và sự tham gia của kinh tế tư nhân.
Trong giai đoạn 2014 đến nay, lượng khách tăng 103%, vượt qua con số 100 triệu lượt khách. Tăng 20,5% mỗi năm.
Ông Phương đánh giá hệ thống hạ tầng hàng không hiện nay đang thiếu hụt, cản trở đến kinh tế và du lịch. Nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế.
Tuy nhiên đây cũng là tín hiệu mừng vì có thể nhiều địa phương đang mong muốn có sân bay quá tải. Sân bay Điện Biên không có tăng trưởng về số hành khách suốt nhiều năm qua.
99% các doanh nghiệp làm du lịch là tư nhân. Vai trò của tư nhân cần được thúc đẩy hơn trong các lĩnh vực hàng không khác, như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do tư nhân đầu tư.
Thời gian đầu tư rất nhanh (chưa đến 2 năm), chúng ta đã làm thay đổi cả năng lực cạnh tranh và khai thác ở sân bay.
Việc quy hoạch cần có một cuộc đánh giá lại để xây dựng giải quyết cấp bách tình trạng ách tắc giao thông.
Quý 1/2019, nhà ga Cam Ranh đang tính đến phương án nâng cao khả năng đáp ứng.
Sân bay Đà Nẵng, Phú Bài - Huế đã vận chuyển được lần lượt 13 triệu và 1,7 triệu hành khách.
Thái Lan có 70 triệu dân, 38 triệu khách du lịch, 52 sân bay. Singapore 6 triệu dân, 18 triệu khách du lịch, một sân bay duy nhất và họ đang tiếp tục xây một sân bay khác.
Giải pháp đưa ra là:
- Cần tạo ra những cảng hàng không có chất lượng dịch vụ, cạnh tranh tốt.
- Rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng; kêu gọi các khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ.
- Kiện toàn pháp lý tạo môi trường bình đẳng cho các khối kinh tế.
- Lập quy hoạch phát triển dài hạn hế thống cảng hàng không, nâng tầm chiến lược quốc gia.
-
11h08
Muốn khách lưu trú dài ngày, cần khai thác giá trị văn hoá địa phương
Ông Cao Trí Dũng - lãnh đạo công ty Vietnam Travelmart đặt câu hỏi "Làm sao để tăng khoản chi tiêu và thời gian của khách quốc tế?". Ông nhận định cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam đáp ứng hầu hết nhu cầu cơ bản của khách chất lượng cao về hàng không, ăn ngon, ngủ tốt... Nhưng để kéo dài thời gian lưu trú của khách, ngành du lịch cần gia tăng tiện ích với những hoạt động như mua sắm, đánh golf, show biểu diễn...
"Hiện Việt Nam chưa gắn nhu cầu của khách với giá trị văn hoá địa phương. Nếu muốn khách lưu trú trên 10 ngày, cần khai thác giá trị văn hoá cộng đồng, làng nghề...", ông Dũng nói và đề xuất ba giải pháp cho vấn đề này.
Thứ nhất, cần có giải pháp khung pháp lý khi triển khai những cơ sở trong thành phố, các điểm đến lớn, khu trung tâm. Cần hoàn thuế cho khách tại điểm đến thay vì hoàn thuế tại sân bay.
Việt Nam cần triển khai triệt để sản phẩm gắn với văn hoá. Mỗi địa phương một sản phẩm để hình thành một hệ thống Vietnam Local Products, song cần xác định đâu là sản phẩm dành cho khách chất lượng cao khi tới làng nghề văn hoá truyền thống.
Cuối cùng, ông Dũng đề xuất nới quy hoạch sân golf hiện hạn chế với khách chất lượng cao. Nhiều khi doanh nghiệp muốn đặt sân cho khách không được, để tăng khả năng thu hút.
-
10h59
Đã có một số nhóm hợp tác phát triển du lịch nhưng vẫn nhỏ lẻ
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtours đánh giá hiện nay những tài nguyên du lịch được khai thác rất hoang sơ, đơn điệu thay vì được gọt giũa để gia tăng giá trị. Mỗi khi tài nguyên du lịch được phát hiện, các cá nhân tự phát triển theo lối riêng mà chưa khai thác đúng giá trị. Các tài nguyên này nhanh chóng bị xâm hại và phá vỡ. Điều này khiến sản phẩm đơn điệu, kém hấp dẫn thậm chí tạo ấn tượng không tốt, dẫn đến khách nghỉ ít hơn.
Những tài nguyên du lịch cần được khảo sát thật kỹ để gia tăng giá trị. Chúng ta cần quan tâm hơn đến doanh thu, chi trả từ du khách. Cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đã có một số nhóm hợp tác với nhau nhưng nhỏ lẻ, đôi khi dẫn đến các bất cập như khách Trung Quốc mua hàng ở Hạ Long, Nha Trang.
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội cần kết nối du khách, các doanh nghiệp lữ hành.
-
10h52
Cần có một bộ tiêu chí xếp hạng các điểm đến trong nước
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Transviet Travel chia sẻ khách của công ty vẫn thường bị "chặt chém", hàng rong lừa đảo. Mỗi khi có sự việc xảy ra, Tổng cục Du lịch lại phải đi xin lỗi. Đó chỉ mang tính xử lý vụ việc.
Vai trò của địa phương là vô cùng quan trọng trong triển khai các kế sách. Ngày trước Sầm Sơn (Thanh Hoá), còn bị du khách tẩy chay vì nhiều tiêu cực nhưng đã chuyển mình khoảng 3 năm nay.
Cần có một bộ tiêu chí chấm điểm về an ninh trật tự, quản lý môi trường điểm đến, cơ sở hạ tầng, chất lượng và sự hấp dẫn. Các tiêu chí này được đánh giá bởi khách du lịch, các chuyên gia lữ hành, thực hiện hàng năm. Ví dụ cần kết nối với xuất nhập cảnh khách cần cung cấp email để chúng ta gửi khảo sát. Việc công bố xếp hạng sẽ giúp các tỉnh nhìn lại mình. Kết quả này sẽ định hướng du khách tới các nơi có điểm số cao để thúc đẩy du lịch chung trong cả nước.
Về du lịch cộng đồng, ngoài xoá đói giảm nghèo còn cần quản lý chất lượng, thứ vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Chính phủ và bộ Văn hoá Thể thao Du lịch nên đóng vai trò nhạc trưởng trong các hoạt động phát triển về chất để thu hút khách du lịch. Các doanh nghiệp lớn có thể tham gia xây dựng các điểm dừng đón đến trung tâm mua sắm để tăng nguồn thu ngoại tệ.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành văn hoá với du lịch để các sản phẩm hấp dẫn hơn.
-
10h45
Nhật Bản cân nhắc đưa khách đến Phú Quốc thay thế Hawaii (Mỹ)
Ông Nguyễn Văn Tấn mở đầu bài phát biểu bằng chia sẻ về cuộc gặp đối tác chuyên về thị trường Nhật Bản. Hiện các công ty lữ hành Nhật Bản có kế hoạch phát triển điểm đến mới thay thế cho Hawaii (Mỹ), và cân nhắc Phú Quốc có thể trở thành điểm đến tiềm năng. Do đó Việt Nam có thể học hỏi mô hình phát triển của Hawaii để thu hút thêm khách Nhật.
Tuy nhiên, các hãng nước ngoài muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam lại lúng túng khi tìm đầu mối liên hệ. Việt Nam cần tổ chức những chuyến Fam cho các đối tác nước ngoài, cần trao đổi thường xuyên và chuyên nghiệp hơn, phát triển sản phẩm du lịch mới.
Ông Tấn đề cập đến chuỗi cung ứng vận chuyển cho ngành du lịch. Các hãng hàng không hiện phát triển rất mạnh, đáp ứng nhu cầu của khách song vấn đề tồn đọng ở các sân bay. Nhiều sân bay đã xuống cấp cả về khả năng đáp ứng và dịch vụ cung cấp. Tiếp theo đó là ngành đường sắt với chất lượng còn nghèo nàn. Vị khách mời này gợi ý, Việt Nam có bờ biển rất đẹp, do đó quy hoạch đường sắt cần chú ý đưa khách qua những vùng có thắng cảnh đẹp ngoài đèo Hải Vân.
Vấn đề tiếp theo là cơ sở lưu trú. Hiện khách sạn tại các thành phố lớn chưa đủ phục vụ đoàn MICE trên 1.000 khách.
Hạ tầng thông tin phát triển nhanh, thông tin cho du khách hầu như không theo kịp. Cần bổ sung ứng dụng di động cho các trang web. Đồng thời rà soát lại các trang web, nhiều thông tin nhưng chưa thiết thực.
Các sản phẩm văn hoá chưa được hỗ trợ quảng bá lâu dài tại các quốc gia khác. Ban đầu festival Huế, hoa Đà Lạt, trái cây Nam Bộ, cà phê Đắk Lắk rầm rộ song chưa giữ độ nóng lâu dài.
Một số điểm đến lớn của Việt Nam còn khó khăn: Làm sao để khách đến Hạ Long không chỉ lưu trú trên vịnh, mà cần nghỉ dài hơn trong khách sạn trên bờ. Với Huế, ghi nhận Huế đang chuyển mình, hơn 15 năm trước đây là điểm đến đặc sắc hơn Đà Nẵng. Tới nay chưa đạt phong độ như cũ.
Làm sao Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... đảm bảo nhân lực để giải quyết nhu cầu? Hiện chưa có sản phẩm mới, raodshow hay fam vẫn bị chê nhiều.
Ẩm thực Việt Nam là một sản phẩm độc đáo, cần được hỗ trợ trong công tác tập hợp, lựa chọn, quảng bá và hỗ trợ để ẩm thực trở thành một sản phẩm hấp dẫn. Bảo tàng cũng vậy.
Ngành du lịch cần một nhạc trưởng, cán bộ cấp Quốc gia và địa phương cần kiến thức về quản lý điểm đến để doanh nghệp cùng phát trển theo một hướng. Hiện hoạt động hầu hết là tự phát.