"Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam" là nội dung được tập trung thảo luận tại phiên hiến kế sáng 2/5, chuyên đề du lịch, thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam.
Đồng chủ trì phiên này gồm ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Phần thảo luận có sự tham gia của các diễn giả là đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và Sở Văn hoá Thể thao Du lịch các địa phương, Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các công ty du lịch hàng đầu Việt Nam và một số hãng hàng không.
Phiên hiến kế du lịch tổng hợp các ý kiến về 4 nhóm vấn đề chính: chính sách thị thực, cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành, hạ tầng hàng không và chiến lược quảng bá du lịch.
Cải thiện chính sách visa
Ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho rằng thủ tục cấp thị thực của Việt Nam khiến du khách cảm thấy không được chào đón. Do đó, ông Sơn đề xuất miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, miễn 5 đến 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Ông Phạm Hà, Giám đốc công ty du lịch Sang Trọng kiến nghị nâng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày thậm chí dài hơn. Tôi kiến nghị chúng ta bỏ visa càng nhiều nước càng tốt. Indonesia bỏ tới 169 nước. Chúng ta hoà bình, thân thiện nhưng lại không bỏ visa.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel, Việt Nam có thể áp dụng chính sách visa linh hoạt, cấp theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak...
Đại diện Vietrantour còn nêu nhiều du khách kêu vì gặp khó khi xin visa cửa khẩu, bởi họ vẫn phải làm thủ tục xin visa trước và cầm công văn đến cửa khẩu. Quy trình cấp visa cửa khẩu ở các nước như Thái Lan hiện nay rất đơn giản.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, qua các nghiên cứu tổng kết, từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo từ Tổng Cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực. Miễn thị thực đơn phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách cần đi đôi với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Bà Lan cho rằng việc mở rộng hay áp dụng rộng rãi cần xem xét mối quan hệ giữa hai nước, an ninh, đối ngoại và đảm bảo lợi ích công dân Việt Nam. "Chúng tôi cân nhắc cải thiện về tăng số ngày phù hợp với tour xuyên Việt, bỏ quy định sau 30 ngày nhập cảnh miễn thị thực đơn phương. Những thứ này đã được quy định trong luật nhưng Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao đã phối hợp đưa vào quy trình sửa đổi luật cư trú của người nước ngoài. Hy vọng có cải thiện như các đề xuất vừa được nêu ra", bà Lan nói.
Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An cho biết Bộ Công an đang đưa vào luật hoá thị thực điện tử để thủ tục ổn định, có cơ sở pháp lý để thực hiện, nhằm cải cách thủ tục hành chính. Thời gian lấy visa 3 ngày, phí 25 USD. Ngoài ra, về công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, cơ quan này đang nghiên cứu dựng cổng xuất nhập cảnh tự động tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài.
Ông Lương Hoài Nam, thành viên TAB, không đồng tình với ý kiến cho rằng việc miễn visa không ảnh hưởng đến du lịch. Số người Việt Nam sang Thái Lan năm ngoái là một triệu người và visa là yếu tố quan trọng với du lịch. Câu hỏi thường trực của khách là tại sao Việt Nam không miễn visa cho chúng tôi trong khi nhiều nước miễn. Đây là vấn đề nhận được quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển du lịch của các nước.
Tổng giám đốc công ty TNHH JBT-TNT Nguyễn Văn Tấn đặt câu hỏi, theo nguyên tắc có đi có lại, tại sao các nước phát triển chưa miễn visa cho Việt Nam nhiều. Cục quản lý xuất nhập cảnh xét duyệt rất nhanh nhưng phát sinh phiền hà sau đó như ở sân bay, sứ quán. Do đó, ông Tấn đề xuất miễn thị thực với các nước phát triển, có quan hệ chính trị tốt với Việt Nam. Các hành khách phải đáp ứng an toàn với Việt Nam về an ninh, y tế...
Năng lực cạnh tranh và tính bền vững của du lịch Việt Nam
Ở phần thảo luận này, đại diện Sở Du lịch các địa phương chia sẻ về kinh nghiệm quản lý điểm đến. Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ từ năm 2000 đến nay, thành phố đã triển khai được nhiều giải pháp. Thành phố có các chương trình 5 không, 3 có, tập huấn đào tạo với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch về cách ứng xử, phục vụ. Ngoài ra địa phương có đường dây nóng 24/24h và trung tâm hỗ trợ du khách. Nhà vệ sinh công cộng là việc nhỏ nhưng rất quan trọng với du khách. Đà Nẵng đã xã hội hoá chương trình thoải mái như ở nhà, hỗ trợ khách du lịch giải quyết nhu cầu cá nhân với các hộ trên tuyến đường du lịch.
Để đảm bảo môi trường du lịch trong thời gian dài và những sự kiện lớn, Huế thường xuyên tổ chức những lực lượng liên ngành để kiểm tra, rà soát các dịch vụ, cơ sở lưu trú trước những sự kiện. Tiếp theo là đường dây nóng của Sở Du lịch và thiết lập lực lượng xử lý tại chỗ. Ngoài ra, Huế có phong trào "Nói không với túi nilon" sắp phát động với người dân và các doanh nghiệp; lắp camera giám sát an ninh tại các điểm tham quan, để phát hiện những hành vi kém ý thức.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Transviet Travel cho rằng cần có một bộ tiêu chí chấm điểm về an ninh trật tự, quản lý môi trường điểm đến, cơ sở hạ tầng, chất lượng và sự hấp dẫn. Các tiêu chí này được đánh giá bởi khách du lịch, các chuyên gia lữ hành, thực hiện hàng năm. Việc công bố xếp hạng sẽ giúp các tỉnh nhìn lại mình. Kết quả này sẽ định hướng du khách tới các nơi có điểm số cao để thúc đẩy du lịch chung trong cả nước.
"Hiện Việt Nam chưa gắn nhu cầu của khách với giá trị văn hoá địa phương. Nếu muốn khách lưu trú trên 10 ngày, cần khai thác giá trị văn hoá cộng đồng, làng nghề...", ông Cao Trí Dũng - lãnh đạo công ty Vietnam Travelmart chia sẻ.
Hạ tầng sân bay
Tính đến tháng 3/2019, hàng không đang có 22 cảng trong đó có 9 cảng quốc tế. Từ 2014 - 2018, hàng không Việt Nam thuộc top phát triển nhanh nhất thế giới, cùng Trung Quốc, Ấn Độ, theo ông Đinh Việt Phương - Phó tổng giám đốc Vietjet. Thành quả này nhờ chính sách mở cửa và sự tham gia của kinh tế tư nhân. Ông Phương đánh giá hệ thống hạ tầng hàng không hiện nay đang thiếu hụt, cản trở đến kinh tế và du lịch. Nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế.
Do đó, ông Phương đưa ra giải pháp gồm tạo ra những cảng hàng không có chất lượng dịch vụ, cạnh tranh tốt; rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng; kêu gọi các khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ; kiện toàn pháp lý tạo môi trường bình đẳng cho các khối kinh tế; lập quy hoạch phát triển dài hạn hế thống cảng hàng không, nâng tầm chiến lược quốc gia.
Ông Lương Hoài Nam - thành viên TAB bày tỏ sự lo lắng khi sân bay Long Thành được Quốc Hội thông qua 3 năm nhưng đến nay thủ tục hành chính vẫn chậm trễ. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng đã quá tải. Ông mong quản lý nhà nước có sự điều tiết nhất định, kiềm chế tăng giá.
Cục trưởng Cục Hàng không, ông Đinh Việt Thắng, khẳng định hàng không đang có nhiều hạn chế. Một là hạ tầng cơ sở, hai là làm sao đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và an toàn. Về chính sách cho tư nhân phát triển hàng không, thực tế trong thời gian qua, tư nhân đã được tạo điều kiện tham gia, nhưng nếu cứ làm tự do, nền kinh tế nhà nước sẽ rơi vào khủng hoảng.
Cơ chế quản lý đầu tư ở Việt Nam được ông Thắng đánh giá là rất phức tạp. Sân bay Long Thành từng được kỳ vọng mang tính tầm cỡ, trung tâm trung chuyển nhưng đến nay trọng tâm dường như đã bị sai, không có hạ tầng kết nối với nơi này.
Sân bay Long Thành không chỉ cần 5 tỷ USD nữa mà cần thêm 5 tỷ USD cho các công trình xung quanh. Nếu không, sân bay này sẽ trở thành ốc đảo. "Chúng tôi đã khẳng định sẽ quy hoạch lại sân bay Long Thành, công suất khoảng 80 triệu khách", ông Thắng nói.
Với cảng hàng không Đà Nẵng, công suất sẽ được nâng lên 30 triệu khách.
Quảng bá du lịch
Nhiều ý kiến về chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam xoay quanh Quỹ phát triển du lịch. Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn chung tay phát triển quỹ nhưng cho rằng việc tiếp cận quỹ rất khó. Do đó, quy chế hoạt động của quỹ phải chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.
Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần HG cho rằng khi có sự tham gia của doanh nghiệp, hiệu quả sẽ cao hơn. Minh chứng rõ ràng nhất thể hiện qua website vietnam.travel do Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện, có nhiều khác biệt nổi trội so với những trang quảng bá cũ. Việt Nam cần thành lập các văn phòng quảng bá du lịch ở nước ngoài. Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản rất thành công ở thị trường Việt Nam vì họ có văn phòng ở đây, có nhiều sáng kiến hợp tác.
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cũng đề xuất Việt Nam nên có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài và nâng cao vai trò của tư nhân hơn nữa.
VnExpress
Xem diễn biến chính