Đến với nơi từng có các nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, du khách không chỉ thỏa chí tò mò, mà còn nhận ra những bài học lịch sử giá trị.
Nhà máy điện Chernobyl
Thảm họa Chernobyl ở Ukraine xảy ra vào 26/4/1986 khi lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện phát nổ, trở thành nỗi ám ảnh với hàng triệu người trên thế giới. Vật liệu phóng xạ tràn ra ngoài dẫn đến vụ cháy lớn. Ảnh hưởng của vụ nổ đối với dân chúng là vô cùng lớn, bởi ngoài 31 người chết tại chỗ, còn hàng nghìn người đã có thể bị nhiễm xạ với tác động khó đánh giá hết, một vùng rộng lớn của châu Âu bị ảnh hưởng phóng xạ.
Sau 29 năm, mức phóng xạ tại khu vực này đã giảm xuống đáng kể. Một số công ty du lịch Ukraine mở tour đưa khách tới đây tham quan, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nổi tiếng.
Nơi đây hiện được xác nhận có mức phóng xạ thấp. Còn những chỗ công cộng, chỉ số đã về mức an toàn. Du khách cũng sẽ tham quan phần còn lại của làng Kopachi bị phá hủy và chôn vùi sau tham họa vì nhiễm phóng xạ cao.
Trường thử White Sands
Nhiều thập kỷ trước, miền trung nam vắng vẻ của bang New Mexico là nơi các nhà khoa học thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới mang tên Vụ thử Trinity. Sau đó, năm 1945, cả thế giới lại kinh hoàng khi biết tin Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản, góp phần kết thúc thế chiến thứ hai.
Ngày nay, cứ mỗi năm hai lần, nơi này lại mở cửa đón khách tham quan, thường là vào ngày thứ bảy. Cuối tuần qua, con đường tới khu thử nghiệm tên lửa White Sands (White Sands Missile Range - WSMR) bỗng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn khi có khoảng hơn 5.000 du khách đổ về.
Quy định vào tham quan khá khắt khe. Du khách chỉ được chụp ảnh ở chỗ đã phong tỏa dù mức phóng xạ giảm xuống khá thấp và không còn nguy hiểm. Bạn có thể thỏa thích chụp ảnh bên một biển cảnh báo treo trên hàng rào với chữ "Cẩn thận vật liệu phóng xạ".
Nhà máy hạt nhân ở Philippiness
Từ năm 2011, khách du lịch đến Philippines có thể vào trong một nhà máy hạt nhân trị giá 2,3 tỷ USD sau khi thăm khu bảo tồn rùa cách đó không xa. Theo AFP, tour du lịch này là nỗ lực của Chính phủ Philippines nhằm tận dụng nhà máy điện hạt nhân Bataan đang bỏ không nhưng tiêu tốn phần lớn ngân sách.
Một trong những điểm nghỉ chân đáng chú ý của hành trình là cây cầu thép chỉ cách lò phản ứng một vài mét. Từ lò phản ứng, các du khách sẽ đi dọc một khoang giống tàu ngầm để vào trung tâm điều khiển.
Anh Minh