Trong suốt thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, London nổi tiếng với hiện tượng sương mù dày đặc, xuất hiện vào tháng 11. Đó là kết quả của tình trạng ô nhiễm không khí, chứ không phải cơn mưa lất phất hay bầu trời xám xịt mùa đông. Trong tác phẩm Bleak House của nhà văn Charles Dickens, ông mô tả: "Khói tràn xuống từ những ống khói, tạo thành cơn mưa bồ hóng mềm mại, từng hạt to như bông tuyết".
Vào năm 1800, dân số ở London khoảng một triệu người. Con số này tăng nhanh và đạt mốc 2 triệu vào năm 1830. Cùng với sự phát triển của những kênh đào, đường sắt, thành phố trở thành trung tâm kinh tế với các ngành công nghiệp như giấy, in ấn, hóa chất, khí đốt và da. Hàng trăm người vào thành phố để tìm việc, kéo theo sự phát triển của vùng ngoại ô. Mùa đông, những ngôi nhà đều đốt lửa than, thổi lưu huỳnh vào không khí.
Sương mù của London chủ yếu là do khói bụi của các đám cháy than và khí thải độc hại từ ống khói nhà máy. Kết hợp cùng sự ẩm ướt của không khí trong ngày thời tiết thay đổi, lưu huỳnh đã tạo nên những tầng khí độc, mang màu vàng nhạt.
Khi nữ hoàng Victoria lên ngôi năm 1837, sương mù đã cản trở việc di chuyển, dù đi bộ hay xe ngựa. Một nghiên cứu năm 1892 chỉ ra, trong khoảng thời gian 1886-1890, trung bình London có 63 ngày sương mù mỗi năm. Vào những ngày ảm đạm, một số đứa trẻ tinh ranh mang theo đuốc tự chế, hướng dẫn quý ông và quý bà đi lại trong hẻm tối rồi thu phí, thậm chí cướp bóc.
Len lỏi theo kẽ hở của ô cửa sổ, bụi bẩn tạo nên những vệt dầu mỡ cáu cặn trên nội thất và quần áo. Không khí ô nhiễm xâm nhập vào họng và phổi của người dân, khiến những tài xế liên tục khạc nhổ và súc miệng bằng rượu mạnh. Cây cối cũng trơ trụi và héo úa khi sương mù của London bao trùm từng chiếc lá.
Đỉnh điểm vào tháng 12/1952, tiết trời đột ngột trở lạnh tại Anh, các gia đình liên tục sử dụng lò đốt than, khiến các hạt lưu huỳnh và khói muội mắc kẹt trong không khí, trộn lẫn với sương mù, sà xuống mặt đất. Lúc này tầm nhìn của London dường như bằng không. Các trường học và doanh nghiệp đóng cửa, phương tiện di chuyển ngừng hoạt động, thậm chí người dân thủ đô không thể nhìn rõ bàn chân họ. Hiện tượng ô nhiễm không khí nghiêm trọng được gọi tên là Đại sương mù, gây ra cái chết của hàng nghìn người trên toàn thành phố.
Sau hiện tượng sương mù độc hại dày đặc, hầu hết gia đình ở London chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên và các nhiên liệu ít chất thải khác. Đến năm 1956, đạo luật Không khí sạch đã buộc các ngành công nghiệp, dân dụng và thương mại xử lý khí thải, không sử dụng than làm nhiên liệu đốt. Tuy nhiên, đạo luật trải qua nhiều năm mới có hiệu lực. Đến tháng 12/1962, hiện tượng sương mù dày đặc một lần nữa xuất hiện, gây ra cái chết của 750 người.
Ngày nay, thành phố không còn xuất hiện những đám mây vàng nhạt và không khí mùi trứng thối. Với lịch sử, văn hóa lâu đời và ẩm thực phong phú, London là một trong những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới.
Lan Hương (Theo Culture Trip, USA Today)