Là một nhiếp ảnh gia Singapore, Aram Pan gần đây được biết đến nhiều hơn thông qua bộ ảnh và video 360 độ về Triều Tiên. Trao đổi với VnExpress, Pan cho biết đó đều là những sản phẩm nằm trong dự án DPRK 360 (DPRK là tên viết tắt của Triều Tiên) được anh thực hiện từ năm 2013.
"Ban đầu, chính sự tò mò về đất nước bí ẩn này đã khiến tôi khởi động dự án. Nhưng khi bắt tay vào làm, tôi nhận ra rằng tôi cần giúp mọi người hiểu biết hơn về Triều Tiên thông qua những bức ảnh của mình", Pan cho biết.
Bước đầu, anh gửi yêu cầu của mình đến các Đại sứ quán Triều Tiên trên thế giới. Một ngày, Pan bất ngờ nhận được phản hồi của một nhân viên sứ quán và họ bắt đầu nói chuyện.
"Tôi cho họ xem một số hồ sơ của mình và công nghệ mà tôi sử dụng để tạo ra những hình ảnh 360 độ, rồi họ đồng ý", anh cũng rất ngạc nhiên khi mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà Pan phải đối mặt là kinh phí làm dự án. Triều Tiên chỉ cấp phép để anh thực hiện nhưng không cung cấp thêm bất cứ điều gì khác. Trong khi đó, anh phải chi trả cho chuyến đi và nhiều phụ phí khác. Mỗi năm Pan lại phải tìm nhà tài trợ để trang trải các khoản phí cho chuyến đi đến Triều Tiên.
"Riêng việc bay từ Singapore đến Triều Tiên trên một chuyến riêng đã tốn ít nhất 4.500 USD rồi", Pan nói.
Đến nay, anh đã 6 lần đến Triều Tiên và mỗi dịp là một trải nghiệm khác nhau: "Hầu hết khách đến Triều Tiên đều đi theo các tour du lịch trọn gói nên mọi người thường có cái nhìn và trải nghiệm giống nhau. Nhưng tôi thì khác, do được đặc quyền nên tôi có những trải nghiệm độc đáo hơn".
Trong hơn 2 năm, Pan đã có dịp đặt chân từ bắc đến nam đất nước Triều Tiên. Trong đó, thủ đô Bình Nhưỡng là nơi anh dành nhiều thời gian thăm thú nhất. Những điều được thấy ở Triều Tiên khiến Pan liên tưởng đến thời thơ ấu xưa cũ, như cảnh mẹ anh trên nông trại ở quê nhà hay cách mọi người đối xử với nhau trong quá khứ.
Một trong những điều làm Pan chú ý khi đến đây là sự thay đổi của Triều Tiên. "Với những gì tôi nhìn thấy, thì rõ ràng mọi thứ đã được cải thiện trong vài năm gần đây, kể cả mức sống của người dân ở khu vực nông thôn".
Pan cho biết khi nghĩ hoặc nghe về một điều gì đó, anh sẽ ngay lập tức lên đường để tìm hiểu và tất nhiên "lúc nào cũng có hướng dẫn viên đi kèm". Với Pan, họ không hề khó chịu hay gây phiền toái mà đóng một vai trò rất quan trọng khi giúp anh chuyển tải ngôn ngữ.
Anh cũng may mắn được tham gia một tour hàng không đặc biệt vào tháng 9/2014 của công ty dịch vụ du lịch Juche. Người tham gia có thể bay và chụp ảnh bên trong những chiếc máy bay của Liên Xô.
Một trong những máy bay gây hiểu lầm là chiếc Ilyushin Il-18 với vẻ ngoài khá cũ kỹ. Pan cho biết loại máy bay này chỉ được sử dụng cho những chuyến nội địa ngắn, và khách nước ngoài không bao giờ bay với nó trừ khi họ đến những vùng đặc biệt ở Triều Tiên.
"Nó nhỏ hơn nhiều so với các máy bay thông thường và tôi nghĩ rằng nó sẽ rung lắc. Nhưng khá bất ngờ, nó hoạt động rất ổn định và trơn tru, âm thanh từ cánh quạt còn êm hơn cả máy bay phản lực", Pan giải thích.
Anh cũng cho biết thêm loại máy bay thường phục vụ khách quốc tế đến và đi Triều Tiên là Tupolev TU-204. Nước này cũng có máy bay lớn và hiện đại, như chiếc Ilyushin Il-76 có thể cất và hạ cánh trên đường băng trải nhựa. Ngoài ra, Mi-17 là máy bay trực thăng, sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như chuyển bệnh nhân.
Điều khiến Pan tiếc nuối là không thể đi hết các loại máy trong trong tour này bởi anh cùng hướng dẫn viên phải dành thời gian để tham gia một show thời trang ở Bình Nhưỡng.
Nhiếp ảnh gia Pan cũng từng đến Việt Nam năm 2010 và có dịp thăm Hà Nội, vịnh Hạ Long. Anh đến nay vẫn còn nhớ cảm giác như bị thôi miên trong vòng xoáy giao thông ở Hà Nội. "Nó giống như một điệu nhảy mà ai cũng đều biết người khác đi đâu hay làm gì", Pan hài hước cho biết. Pan hy vọng trong một ngày không xa anh sẽ có dịp đến TP HCM.
Ảnh trong chuyến đi Triều Tiên của Aram Pan
Vy An
Ảnh: NVCC