Đến từ thành phố hoa phượng đỏ, Trần Việt Anh (24 tuổi) đang là một nhân viên marketing online, từng có kinh nghiệm dày dạn trong du lịch bụi và tổ chức các chương trình thiện nguyện giúp đỡ trẻ em nghèo. Chính từ những chuyến đi trước mà cậu đã quyết định gác hết mọi công việc đang làm để thực hiện một kế hoạch dài hơi.
Chàng trai trẻ dự định sẽ đi 63 tỉnh thành trong vòng 6 tháng bắt đầu từ ngày 15/8. Ngoài mục đích được trải nghiệm “sống chậm” theo những vòng xe đạp xuyên suốt dải đất hình chữ S, Việt Anh còn có mong ước tuyệt vời hơn là gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo vùng núi phía Bắc.
Là một người có nhiều kinh nghiệm du lịch bụi, Việt Anh đã chuẩn bị khá kỹ càng cho chuyến đi lần này. Với tiêu chí tiết kiệm tối đa để cảm nhận nhiều hơn và thật hơn cái nghèo, cái thiếu thốn, hành trang của Việt Anh chỉ gồm vài bộ quần áo, một chiếc xe đạp, bộ sửa xe, máy tính, máy ảnh và 600.000 đồng phòng thân. Tất cả những nhu cầu còn lại trên đường như ăn uống và nhà ở, chàng trai trẻ đều kêu gọi giúp đỡ từ bạn bè, người quen và người dân địa phương nơi cậu đi qua.
Sáng ngày 15/8 tạm biệt thủ đô, Việt Anh lên đường một mình đạp xe đi Phú Thọ. Những chặng đường tiếp theo trong tháng đầu tiên mà anh đi qua là: Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên Lai Châu - Lào Cai.
Người bạn đường - chiếc xe đạp - đã trải qua 2 chuyến đi dài trước đó nên bị hỏng phần chuyển động, cậu phải mất 2 ngày ở Hòa Bình chiếc xe mới được sửa hoàn thiện và tiếp tục hành trình an toàn. Tuy đã cũ, nhưng chiếc xe được coi như một món quà, một vật kỷ niệm nhiều ân tình giữa những người anh em đam mê du lịch bụi và làm từ thiện.
Xem thêm ảnh về chuyến đi của Việt Anh
Từ chiếc xe đạp hỏng cho đến sức bền của bản thân bị tụt dốc, địa hình hiểm trở, đường xấu, thời tiết thất thường có những lúc làm cho Việt Anh tưởng chừng không còn sức lực để đạp. “Ở Pha Đin tụt huyết áp, choáng váng. Còn Ma Thì Hồ phải gạn chút sức lực cuối cùng. Ngay ở cái tên thôi đã đủ lạnh gáy, có những lúc tưởng qua hết dốc, xuống đèo nhưng đèo khác, dốc khác lại hiện ra”, chàng trai trẻ kể. Khi vượt đèo Ô Quy Hồ - một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc: “42 km đường đèo (bắt đầu từ chân dốc bản Tông Pẳn) dài hơn giữa đêm lạnh nhưng luôn vui”.
Trải nghiệm trên mỗi chặng đường, Việt Anh lại có thêm vô vàn cảm xúc. Được sự giúp đỡ tận tình từ bạn bè thân thiết cho đến những người dân tộc lần đầu gặp mặt, chàng trai trẻ thấm thía được tấm chân tình và như được tiếp thêm sinh lực, niềm tin để tiếp tục chặng đường.
Kỷ niệm vui của cậu là tình cờ gặp lại hai người chủ cũ của chiếc xe đạp, thực hiện được ước mơ chinh phục nóc nhà Đông Dương, đón trung thu với trẻ em Lai Châu, gặp được nhiều bạn bè mới... Đặc biệt hơn, cậu đã truyền đến họ tinh thần hành trình cậu đang thực hiện - tinh thần thiện nguyện.
Bên cạnh niềm vui là những câu chuyện buồn về mặt tối của sự phát triển du lịch ở Sa Pa, về cuộc sống khó nhọc của trẻ em vùng cao... Nhờ chuyến đi bằng xe đạp mà Việt Anh có thể “sống chậm” thực sự, cảm nhận từng gương mặt trên đường, từng hoàn cảnh gia đình anh ở nhờ.
Không chỉ giữ lại cảm xúc bằng cả trái tim mình, Việt Anh đã ghi lại các trải nghiệm và khoảnh khắc đáng nhớ bằng những bức hình chân thực nhất. Trong album ảnh của anh có nụ cười của lũ trẻ xã Sơn Bình, là gói cơm nắm thân tình của người Thái, là khung cảnh mây nắng trên Ô Quy Hồ kỳ vĩ, là những gương mặt có quen có lạ...
Hơn 30 ngày rong ruổi xe đạp trên các cung đường hiểm nhất Tây Bắc, bỏ lại những khó nhọc đã qua, Việt Anh càng quyết tâm hơn vì vẫn còn cả một hành trình dài phía trước để tiếp tục và hoàn thành kế hoạch thiện nguyện của mình.
Hương Chi
Ảnh: NVCC